Sơ cứu ngạt nước như thế nào?

ANTĐ - Không chỉ ở các ao, hồ, sông, biển, mà ngay cả nơi tưởng như an toàn là bể bơi cũng có nguy cơ rất cao xảy ra đuối nước đối với trẻ em. Đáng nói là nhiều trường hợp dù người lớn phát hiện khi trẻ vẫn còn sống, nhưng do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách dẫn đến trẻ tử vong hoặc di chứng não.

Ngày 19-6 vừa qua, một lái xe hãng taxi Mai Linh đã cứu sống một cháu bé bị đuối nước. Trong khi vào đón khách ở một resort ven biển Đà Nẵng, lái xe này nghe thấy tiếng kêu cứu đã dừng xe chạy vào trong thì thấy một số người hoảng loạn, kêu khóc bên cạnh cháu bé nằm bất động trên thành hồ bơi, cơ thể tím tái.

Nhờ có những kỹ năng sơ cứu người đuối nước cơ bản, lái xe đã nhanh chóng thực hiện các thao tác như ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt… giúp cháu bé  tỉnh lại. Được biết, người lái xe taxi trên đã được tập huấn sơ cứu người bị ngạt nước và đạt giải Ba Hội thi sơ cấp cứu nạn nhân bị ngạt nước do Hội chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức. Trước đó, một cháu bé 7 tuổi khác ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh khi đang tắm trong bể bơi cũng bị đuối nước vì người lớn không để ý.

Khi được phát hiện và đưa lên bờ, nhân viên quản lý hồ bơi, bằng kỹ năng được tập huấn sơ cứu ban đầu cho nạn nhân ngạt nước đã khẩn trương ấn tim, hà hơi thổi ngạt tại hiện trường. Sau nhiều phút sơ cứu không ngừng nghỉ, cậu bé đã thở được, chân tay hồng hào trở lại và lập tức được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã nhanh chóng hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn.

Đuối nước là tai nạn cần cấp cứu tại chỗ hơn là trong bệnh viện. Nếu làm đúng, nhanh và kịp thời ngay tại chỗ xảy ra tai nạn, khả năng sống sót rất cao. Nhưng nếu chuyển ngay nạn nhân tới bệnh viện sẽ gây hệ quả đáng tiếc. Theo các y, bác sĩ, việc các cháu bé trên là số ít những trường hợp bị đuối nước trong tình trạng rất nguy kịch nhưng đã may mắn thoát chết, không bị di chứng nhờ được sơ cứu kịp thời tại hiện trường, tận dụng được “thời gian vàng” là từ 3 đến 5 phút đầu.

Tuy nhiên, rất nhiều trẻ bị đuối nước, dù khi được vớt lên vẫn còn sống nhưng do không được sơ cứu đúng cách đã tử vong hoặc để lại di chứng não nặng nề. Vì vậy, người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị các kiến thức xử trí ban ban đầu cho trẻ bị ngạt nước; các địa phương, cơ quan, tổ chức cũng nên quan tâm đến việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng này.

Sau khi đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước, cần đặt nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự chuyển động của lồng ngực.

Trường hợp lồng ngực không phập phồng tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức (bên trái). Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt (2 cấp cứu viên) hoặc 30 lần ấn tim 2 lần thổi ngạt (1 cấp cứu viên) trong 2 phút.

Sau quá trình ấn tim, thổi ngạt, cần đánh giá xem nạn nhân có thở lại được không, môi có hồng không, có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không. Nếu cơ thể nạn nhân không có những phản ứng trên, phải tiếp tục duy trì động tác cấp cứu này trong cả thời gian chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài khi nạn nhân nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và đắp chăn, quần áo, khăn khô lên người nạn nhân để giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Không cần thiết phải bỏ nhiều thời gian vào việc xốc nước bằng động tác dốc ngược nạn nhân vì sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.