Sinh viên sốc vì học phí đại học tăng 30%

ANTĐ - Với mức tăng 30% so với năm trước và cao nhất lên tới 530.000/tín chỉ, đẩy mức học phí lên tới 17 triệu đồng một năm học khiến sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, một trong những trường ĐH công tự chủ tài chính, vô cùng lo lắng. 

Vừa đăng ký tín chỉ vừa run

Vài ngày nay, nội dung khiến nhiều sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân bàn luận nhiều nhất là việc trường này sẽ tăng 30% học phí. Ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, mức học phí cao nhất 530.000/tín chỉ chỉ áp dụng đối với 5 chuyên ngành xã hội hóa cao đối với sinh viên K57, K58 (sẽ nhập học năm 2016), còn lại 2 ngành đang có mức học phí thấp hơn nhiều với mức 375.000/tín chỉ. Riêng đối với sinh viên K56 trở về trước, mức học phí vẫn là 290.000/tín chỉ. Tuy nhiên, áp lực đối với những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai về học phí là không thể phủ nhận bởi theo lộ trình, mức học phí chưa dừng ở đây.

Một sinh viên nhóm ngành kiểm toán cho biết, nhóm ngành này nằm trong diện học phí cao nhất, lên tới 530.000/tín chỉ cùng với nhóm ngành thuộc loại “hot” khác của ĐH Kinh tế quốc dân như Kinh tế đầu tư, Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp… Năm học 2015-2016 những ngành “hot” nhất này có mức học phí là 450.000/tín chỉ. “Em đang rất băn khoăn trong việc đăng ký số lượng tín chỉ thế nào cho phù hợp với chi phí của bản thân. Năm thứ nhất, chúng em đăng ký học không dưới 37 tín chỉ. Năm nay nếu vẫn đăng ký 37 tín chỉ, học phí sẽ lên gần 20 triệu đồng/năm học. Việc phải cân đối học phí với nhu cầu thực học là bài toán khá cân não với sinh viên lúc này” – Nguyễn Công Doanh cho biết.

Tâm sự nặng nề của nhiều sinh viên trường này đang được chia sẻ trên các trang mạng cho thấy sự lo lắng phải kiếm thêm việc làm thêm để bù đắp vào khoản học phí gia tăng. “Bố mẹ sẽ phải cắt giảm chỉ tiêu cả gia đình cho việc ăn học của em. Học phí cao nhưng chúng em không được học tại giảng đường của trường mà phải đi học nhờ trường Trung cấp Công Thương Hà Nội tại 54 Vũ Trọng Phụng” – một sinh viên trường này chia sẻ .

Nhiều sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân đang đối mặt với nỗi lo tăng học phí

Tăng mạnh nhưng có lộ trình…

Lý giải vì sao học phí của trường lại tăng mạnh như thế, ông Phạm Hồng Chương cho biết, việc xây dựng lộ trình học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. “Khi đi đến quyết định tăng học phí, nhà trường cũng đã cân nhắc nhiều khía cạnh. Mức học phí này được xây dựng trên cơ sở cân đối chi phí đào tạo, đồng thời vẫn đảm bảo cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng chính sách. Đây là mức học phí không phải cao nhất trong các trường công lập khối kinh tế” – ông Phạm Hồng Chương cho biết.

Trước việc một số sinh viên sốc với mức học phí mới tăng trong năm học 2016-2017, ông Phạm Hồng Chương cho rằng, có thể do các em chưa có được thông tin đầy đủ. “Đối với các em sinh viên đã nắm rõ lộ trình tăng học phí của nhà trường thì không có gì là bất ngờ. Tôi khẳng định nhà trường thực hiện đúng những cam kết của mình trước xã hội và đúng các quy định của Nhà nước. Dù vậy, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sẽ triển khai thực hiện công tác truyền thông tốt hơn để các em sinh viên và xã hội hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ của các em cũng như của nhà trường” – ông Chương khẳng định.

Về việc tăng học phí nhưng sinh viên vẫn phải học ở những giảng đường đi thuê, ông Phạm Hồng Chương giải thích: “Hiện nay trường chỉ còn thuê ngoài tại 1 địa điểm 54 Vũ Trọng Phụng với 35 phòng học. Kế hoạch đến năm 2017 nhà trường sẽ không còn phải thuê giảng đường. Sinh viên sẽ được học trong các giảng đường của nhà trường...”.

Trước mối lo của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn muốn theo học các ngành “xã hội hoá cao”, ông Chương cho rằng, vẫn có cơ hội với các mức học bổng phù hợp. “Hiện trường có Quỹ học bổng 50 tỷ đồng. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách có lực học tốt đều được xét cấp học bổng. Ngoài ra, trường còn có chính sách hỗ trợ và tạo việc làm cho đối tượng này để có thêm thu nhập trang trải học phí” – ông Chương chia sẻ.