Sinh viên nói gì về việc đổi tên nước

ANTĐ -Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIII  là xem xét và thảo luận về phương án đổi tên nước. Những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về vấn đề đổi tên nước cho thấy, đây thực sự là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn trẻ với những lĩnh vực học khác nhau, những hiểu biết khác nhau họ nói gì về vấn đề được đưa ra “có nên hay không đổi tên nước?”.
Theo đó Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, UB sửa đổi Hiến pháp đưa ra hai phương án đổi tên. Phương án thứ nhất giữ nguyên như hiện tại (tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Phương án hai, quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Mặc dù trong bản dự thảo lần thứ hai này chỉ có một phương án là giữ nguyên tên nước (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhưng đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trên quan điểm và cái nhìn nhận của những sinh viên đánh giá về vấn đề đổi tên nước hiện nay.
Sinh viên nói gì về việc đổi tên nước ảnh 1
Trương Văn Đông - SV năm 3 Học viện CSND

Trương Văn Đông (sinh viên năm 3 – Học viện CSND): “Việc đổi tên nước hiện giờ là không cần thiết. Vì theo mình nghĩ tên nước hiện tại đã phản ánh định hướng của nước Việt Nam từ khi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập. Nếu quay trở lại tên Việt Nam dân chủ Cộng hòa thì dễ dẫn tới hiểu lầm hoặc nhiều người có thể nghĩ rằng Việt Nam không còn kiên định theo định hướng mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Ngoài ra các thủ tục, giấy tờ có liên quan sẽ đều phải thay đổi theo tên mới, như vậy sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi thủ tục pháp lý…”

Bạn Nguyễn Hoàng Hải (bên phải) - SV khoa Chính trị học - Học viện BC&TT

Nguyễn Hoàng Hải (sinh viên chuyên ngành Chính trị học – Học viện BC&TT): “Theo mình việc đổi tên nước là không nên, bởi lẽ gần 40 năm qua cái tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đi vào tiềm thức của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Hơn nữa trong tình hình kinh tế khó khăn việc đổi tên nước kéo theo đó là rất nhiều những lĩnh vực sẽ thay đổi theo như: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… thêm vào đó là việc các thủ tục đổi tiền, chứng minh thư nhân dân, con dấu, sách giáo khoa các cấp… sẽ gây rất nhiều khó khăn và phiền phức. Mặt khác mình cho rằng nếu việc đổi tên nước không thận trọng thì những thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ tận dụng cơ hội để tuyên truyền những đường lối, chủ trương, quan điểm.. sai với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sẽ có những hành động không đúng như chống phá chính quyền…”.

Đào Thùy Dương - SV năm 3 Đại học Luật Hà Nội

Đào Thị Thùy Dương (sinh viên năm 3 Đại học Luật Hà Nội): “Theo mình không nên đổi tên nước, vì việc đổi tên nước sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, từ việc phải thay đổi cả một hệ thống, từ các cơ quan đến việc thực hiện quyền của người dân trong đời sống kinh tế, xã hội. Hơn nữa rất nhiều quan điểm của các vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng không nên đổi tên nước. Như vậy phải chăng chúng ta đang đi chệch khỏi con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, như vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong việc thực hiện chính sách, quan hệ hành chính…”.

Việc đổi tên nước không chỉ có “tiểu thương” mới quan tâm, mà ngay cả những bạn sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng quan tâm đến vấn đề này. Đó là vấn đề của một Quốc gia, dân tộc, nó liên quan đến những đường lối, chích sách của Đảng và Nhà nước trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đa phần các bạn sinh viên đều đồng ý với quan điểm giữ nguyên tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cái tên đã gắn liền với người dân trong gần 40 năm qua. Nó thể hiện đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc đi lên xây dựng con đường Chủ nghĩa xã hội.