Sinh viên nhẹ dạ và cái bẫy của tội phạm vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

ANTD.VN - Từ vô tình đến chủ động tham gia đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do tội phạm nước ngoài dụ dỗ, nhiều công dân Việt Nam, trong đó đa phần là người trẻ đã phải trả giá đắt, thậm chí là tính mạng của mình.

Hai bị cáo - chị em ruột, Duy và Tiên trước vành móng ngựa cùng số ma túy được ngụy trang trong những viên nhộng

Theo đánh giá mới nhất của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy liên quan đến yếu tố nước ngoài ở Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy đã lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của một số người dân, nhất là đối với thanh niên, phụ nữ để dụ dỗ, lôi kéo thực hiện hành vi phạm pháp.

Sập bẫy những tên tội phạm xuyên quốc gia

Tại một trong những phiên xét xử tội phạm ma túy đáng chú ý nhất năm 2012 của Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, bản án đưa ra với 2 bị cáo là chị em ruột khiến nhiều người không khỏi chua xót. Với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy, Trần Hà Duy (SN 1989) bị tuyên án tử hình và Trần Hạ Tiên (SN 1991, em gái Duy, quê quán Đức Trọng, Lâm Đồng) chịu mức án chung thân. Sau đó Trần Hà Duy đã được Chủ tịch nước ký lệnh ân xá giảm từ án tử hình xuống án chung thân.

Trước và trong thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Trần Hạ Tiên là sinh viên năm thứ ba, Khoa Ngân hàng của trường Đại học Văn Lang, TP.HCM. Thế nhưng, tương lai của cô gái đôi mươi ấy đã khép lại khi ngày 18-7-2012, chuyến bay quốc tế từ thành phố Doha đáp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, các lực lượng chức năng đã kiểm tra hành lý phát hiện, bắt giữ Trần Hạ Tiên liên quan đến 4,1kg ma túy tổng hợp. Qua đấu tranh, cơ quan chức năng bắt giữ tiếp Trần Hà Duy là chị ruột của Tiên, sinh viên năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hồng Bàng. 

Bị cáo đầu vụ Trần Hà Duy khai, khoảng năm 2007, trên chuyến xe từ miền Tây về TP.HCM, tình cờ Duy quen biết một người nước ngoài tên là Francis, quốc tịch Kenya. Từ đó, Duy từng bước bị Francis dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Ban đầu là những lời động viên Duy xuất ngoại, mang hàng quần áo mẫu về Việt Nam và ngược lại, mọi chi phí do Francis chịu trách nhiệm. Mỗi chuyến đi như vậy, Duy được trả công từ 500USD đến 1.500USD. 

Sau 2 chuyến đầu được trả công 2.000USD, nữ sinh viên không hề biết trong các kiện quần áo ấy có giấu ma túy. Thấy công việc thú vị, vừa được ra nước ngoài lại vừa có tiền, Duy đã giới thiệu với Francis em gái là Trần Hạ Tiên tham gia vận chuyển hàng. Đến lúc ấy, “trùm” ma túy mới lật bài ngửa, thông báo rõ sự thật bên trong những kiện quần áo. Nhóm nữ sinh viên muốn buông thì đã muộn.

Francis đe dọa sẽ cung cấp tài liệu về những kiện hàng trước với cơ quan chức năng, rồi dọa giết… Chị em Duy - Tiên từ đó buộc phải nhắm mắt thực hiện nhiệm vụ vận chuyển ma túy cho Francis, cho đến ngày bị phát hiện. Tổng cộng, Duy đã vận chuyển 7,5kg ma túy tổng hợp, còn Trần Hạ Tiên đã vận chuyển hơn 4kg.

Trước vụ án liên quan đến chị em ruột Tiên -  Duy, dư luận từng xót xa trước hoàn cảnh của 2 nữ bị cáo phạm tội vận chuyển thuê ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, cũng bị đưa ra xét xử.

Những năm qua các lực lượng chức năng của Việt Nam và cảnh sát các nước châu Á, châu Úc đã bắt giữ nhiều đối tượng là sinh viên, phụ nữ Việt Nam vận chuyển ma túy cho các đối tượng phạm tội ma túy trên tuyến hàng không. Trong đó có nhiều trường hợp mới tham gia vận chuyển ma túy lần đầu cho các đối tượng phạm tội ma túy chưa được trả công, bị bắt xử lý với mức án chung thân, tử hình…

Đó là Hà Thị Ngô (29 tuổi), sinh viên năm thứ tư trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và Nguyễn Thị Phước (29 tuổi), hướng dẫn viên du lịch. Lộ diện đầu tiên là Nguyễn Thị Phước, khi nữ hướng dẫn viên du lịch này bị bắt giữ tại sân bay với đôi dép… đặc chủng “cài” 146,3156 gram ma túy ở 2 đế. Từ lời khai của Phước, CQĐT Bộ Công an đã bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hà Thị Ngô, thu giữ 151 gram heroin giấu trong một quyển sách bìa cứng.

Nguyễn Thị Phước khai nhận quen biết Kelvin, quốc tịch Nigeria qua mạng Internet. Qua những lần nói chuyện trên mạng, Kelvin ngỏ lời yêu và Phước chấp nhận. Về phần Hà Thị Ngô, cô gái này khai do từ chối vận chuyển thuê ma túy mà Ngô bị một số đối tượng tìm cách trả thù. Rồi Ngô được Kelvin ra tay cứu giúp. Cứ thế, từ việc nhận lời sang Ấn Độ, Trung Quốc vận chuyển thuê quần áo, vòng trang sức bằng đá về Việt Nam, Ngô và Phước đã lún sâu vào đường dây vận chuyển ma túy. Hai đối tượng cũng lần lượt chịu mức án  20 năm tù và 18 năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ma túy được giấu ở những chỗ không ngờ tới

Vừa lôi kéo sinh viên, những kẻ cầm đầu các đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia luôn nghĩ ra những thủ đoạn tinh vi cất giấu “hàng” trong quá trình vận chuyển. Mới đây, cơ quan tố tụng Trung ương đã làm rõ hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy của 3 đối tượng Phạm Văn Tài (30 tuổi), trú tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; Nguyễn Huy (26 tuổi), trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi), trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong vụ này, CQĐT còn xử lý 1 đối tượng về hành vi không tố giác tội phạm, là Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi), trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Manh mối của ổ nhóm đối tượng này bị phát hiện từ việc CQĐT Bộ Công an phát hiện nghi vấn và kiểm tra một người lái “xe ôm”, vận chuyển thùng carton giao cho một phụ nữ trên phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chiếc thùng này chỉ đựng một nồi cơm điện, song bên trong đó, dưới ốp đáy nồi lại có hai túi chứa hạt tinh thể màu trắng. Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an về sau xác định, đó là ma túy “đá”, trọng lượng gần 200 gram.

Từ lời khai của những người liên quan, CQĐT lần lượt xác định vai trò của Nguyễn Huy, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Văn Tài. Nhóm này đã bàn bạc mua ma túy chuyển sang Nga để bán kiếm lời. Theo đó, Tuấn, Tài đi mua 200 gram ma túy dạng “đá” tại địa bàn quận Hai Bà Trưng với giá 60 triệu đồng. Sau đó, Tài gọi điện cho vợ nhờ mua nồi cơm điện và bảo Huy đi nhận nồi mang về nhà tìm cách “độn” ma túy dưới đáy. Các đối tượng khai nhận với thủ đoạn trên đã nhiều lần gửi bán ma túy sang Nga trót lọt. 

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều vụ án bắt giữ số lượng ma túy trị giá hàng tỷ đồng đã bị lực lượng chức năng điều tra, khám phá thành công. Như vụ Lâm Thị Kim Hồng Hạnh, quốc tịch Australia, quê quán Tây Ninh bị bắt tại Sân bay Tân Sơn Nhất khi đang làm thủ tục xuất cảnh. Ngoài ma túy trong hành lý, lực lượng chức năng còn tìm thấy “hàng” được Hạnh giấu trong quần lót, áo ngực và vùng kín… tổng cộng gần 380 gram heroin.

Một đối tượng cũng mang quốc tịch Australia là Nguyễn Thị Hương (SN 1943) sa lưới khi đang làm thủ tục xuất cảnh đi thành phố Sydney. Trong hành lý ký gửi của Hương, qua máy soi, máy chiếu, nhân viên không phát hiện điều khác thường. Tuy nhiên, bằng cảm quan nghề nghiệp, cơ quan chức năng đã giữ lại những bánh xà phòng hiệu Shinzu’i. Đúng như nghi ngờ, ma túy được đóng gói thành cục trong từng bánh xà phòng, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. 

Tham gia vận chuyển trái phép ma túy, còn có cả người nước ngoài. Trường hợp bị phát hiện với giá trị “hàng” lên đến hàng tỷ đồng, là Loke Dah Lee (SN 1976), quốc tịch Singapore. Đối tượng này bị bắt giữ khi đang làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đi Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc). Ma túy được Lee giấu trong những chiếc kẹo sầu riêng, bên ngoài là vỏ đậu phộng. Lee khai nhận đã chia nhỏ ma túy, ép chân không rồi lột sạch nhân đậu phộng và nhồi ma túy. 

Từ thực tiễn công tác đấu tranh, CQĐT đã đúc kết được thủ đoạn lợi dụng việc du học, du lịch làm ăn kinh tế, các đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam móc nối với một số đối tượng người Việt tổ chức thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, cũng có các đối tượng người Việt Nam lập ra đường dây cấu kết với đối tượng ma túy ở nước ngoài, đưa ma túy từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ. 

Đối tượng chủ mưu cầm đầu (thường là đối tượng gốc Phi) không trực tiếp vận chuyển ma túy mà tìm cách làm quen với các bạn trẻ, sinh viên qua Internet, kết bạn hoặc đặt vấn đề kết hôn.  Sau đó, thông qua số người này, chúng tìm cách tuyển mộ những cô gái thích ăn chơi, đua đòi hoặc những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy với chiêu bài vận chuyển “hàng mẫu”. Mọi thủ tục và chi phí ăn, ở, các đối tượng này lo và “người vận chuyển” được trả công hậu hĩnh.