Sinh viên người Việt đồng sáng chế máy âm thanh dập tắt lửa

ANTĐ - Có thể bạn sẽ không tin, nhưng sự thật âm thanh có những sức mạnh ngoài mức tưởng tượng, đó là dập tắt một ngọn lửa. Hai sinh viên ở Mỹ, trong đó có Trần Việt, một chàng trai người Việt đã sáng tạo ra “điều thần kỳ” này.

Seth Robertson và Trần Việt, hai sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện và máy tính của trường Đại học George Mason, Mỹ đã phát minh ra việc sử dụng âm thanh tần số thấp để dập tắt lửa, có thể ứng dụng cho những đám cháy trong nhà.

Phát minh này bắt đầu chỉ đơn giản bằng một ý tưởng, tuy nhiên sau một năm nghiên cứu thử nghiệm và tiêu tốn khoảng 600 USD, hai chàng thanh niên đã sáng chế ra được một bộ gồm máy phát tần số âm thanh di động, máy khuếch đại, nguồn lực và ống dẫn tập trung vào một hướng để dập tắt lửa, mở ra tiềm năng lớn trong việc phòng cháy chữa cháy.

Sau thành công ban đầu này, Robertson, 23 tuổi, và Trần Việt, 28 tuổi đã được đăng ký bằng sáng chế vào cuối tháng 11-2014, mở ra cơ hội nghiên cứu một năm đối với các hóa chất dễ cháy khác. Hiện tại, sáng chế này đã được hai thanh niên thử nghiệm với cồn, dù trước đó hình dung của họ là hướng đến các đám cháy trong nhà.

Mặc dù đang theo học trong chuyên ngành kỹ thuật điện và máy tính nhưng cả Robertson và Việt đều không thực sự hứng thú với các dự án cao cấp do giáo sư của họ đề xuất. Từ sự quan sát ban đầu và tự nghiên cứu về cách thức sóng âm thanh làm gián đoạn đám cháy nhỏ, hai chàng thanh niên đã bắt tay vào công việc sáng chế của mình.

Như những phát minh khoa học khác, kế hoạch của Robertson và Việt cũng gặp phải sự phản đối từ nhiều người. “Họ nói rằng chúng tôi là những kỹ sư điện, không biết gì về hóa chất thì không thể làm được điều này”, Trần Việt nói. Một số giảng viên cũng từ chối tư vấn dự án, nhưng giáo sư Brian Mark đã đồng ý giám sát nó.

Trần Việt và Robertson đang thử nghiệm với chiếc máy của mình

Ban đầu, công việc nghiên cứu của hai chàng trai liên tục gặp thất bại. Họ đã đặt một ngọn lửa cồn trước một loa bass siêu trầm, và thử nghiệm với tần số cực cao khoảng 20.000 – 30.000 herzt, nhưng ngọn lửa chỉ rung rung, không hề biến chuyển. Sau khi thử nghiệm với tần số thấp chỉ khoảng 30-60 herzt, đám cháy nhỏ bắt đầu tắt dần.  

Chia sẻ với Washington Post, Trần Việt cho biết nghiên cứu của các anh bắt nguồn từ cơ sở, sóng âm thanh tần số thấp, trong khoảng 30-60 hertz, có thể ngăn oxy tiếp xúc với nhiên liệu cháy. "Sóng áp lực sẽ trở qua trở lại và quá trình này tác động đến vùng không khí chứa oxy, đủ để dập tắt ngọn lửa và khiến nó không bùng lên".

Sau khi thành công với nghiên cứu này, giáo sư Brian Mark cũng phải thừa nhận ban đầu ông không nghĩ là dự án này sẽ thành công. “Các sinh viên khác đã chọn cho mình một đường đi an toàn, nhưng với Việt và Robertson lại khác, và họ đã thành công”, giáo sư Brian Mark đánh giá.

Cả hai sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng 5 tới. Trong khi Robertson sẽ được nhận vào làm việc tại lực lượng không quân thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ thì Trần Việt được công ty hàng không vũ trụ Dulles hứa hẹn một cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Mặc dù vậy nhưng cả hai sinh viên đều mong muốn được tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa, trước khi được cấp một bằng sáng chế khoa học.