Sinh viên Luật hào hứng tranh luận về "sát thủ" Lê Văn Luyện

ANTĐ - Các luật gia tương lai lên tiếng về vấn đề mang tính thời sự: Nên hay không nên tăng mức hình phạt với những trường hợp tội phạm vị thành niên như Lê Văn Luyện?

Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện Socrates 2012 nóng lên bởi những vấn đề nóng hổi trong xã hội hiện nay như: vấn đề gộp kì thi tốt nghiệp và thi đại học, hình phạt dành cho thanh thiếu niên phạm tội, quy định quyền được chết của con người, xây dựng casino ở Việt Nam, việc xoá bỏ các khu chợ cóc ở Hà Nội...

Những nội dung này đều được các bạn trẻ đem ra mổ xẻ, phân tích cụ thể trong phần hùng biện đối kháng. Trong phần thi này, các thí sinh được chia ra làm 5 cặp. Mỗi cặp bốc thăm một câu hỏi mang tính chất đối kháng, một bên đồng tình, một bên phản bác. Sau đó, hai bên sẽ có thời gian để trình bày quan điểm của mình, đặt câu hỏi cho đối phương sao cho phần hùng biện thuyết phục nhất có thể.

Thí sinh Hùng biện Socrates 2012 thông minh và cư xử rất nhân văn trong toàn bộ quãng thời gian diễn ra cuộc thi từ vòng sơ loại.
Thí sinh Hùng biện Socrates 2012 thông minh và cư xử rất nhân văn
trong toàn bộ quãng thời gian diễn ra cuộc thi từ vòng sơ loại.

10 thí sinh đứng trên sân khấu trường ĐH Luật Hà Nội đều gây ấn tượng bởi khả năng nói trước đám đông một cách mạch lạc, tư duy logic, trình bày bài nói có luận điểm, luận cứ rõ ràng; bên cạnh phông kiến thức rộng và kiến thức chuyên ngành vững vàng để có thể đối diện với những vấn đề xã hội quan trọng.

Điểm nhấn của phần thi hùng biện đối kháng là cặp mang SBD 055 Phạm Thu Trang đến từ ĐH Ngoại thương Hà Nội và SBD 033 Phan Công Tiến đến từ Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội. Nguyên văn vấn đề được đặt ra cho phần thi của hai thí sinh: "Nên chăng tăng mức hình phạt có thể đối với người chưa thành niên phạm tội so với quy định cuả pháp luật hiện hành để đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong độ tuổi vị thành niên hiện nay?"

Phạm Thu Trang đứng về phía đồng tình. Cô nhấn mạnh chi tiết nụ cười của sát thủ Lê Văn Luyện khi toà tuyên án 18 năm tù. Thu Trang không ngần ngại cho rằng pháp luật chúng ta có thể đang quá nhân nhượng, mong muốn pháp luật cần phải mạnh mẽ hơn nữa để trừng trị đích đáng kẻ phạm tội.

Ở phía ngược lại, Phan Công Tiến cho rằng pháp luật cần có sự công bằng, không thể vì một trường hợp đơn lẻ mà thay đổi quy phạm pháp luật. Bởi lẽ pháp luật Việt Nam mang bản chất lương thiện của người Việt. Hơn thế nữa, tuổi vị thành niên còn nhiều bồng bột, cần cho các bạn một cơ hội để sửa chữa sai lầm. Ngoài ra, việc bảo về quyền trẻ em theo công ước quốc tế cũng cần được lưu tâm khi đề xuất tăng nặng hình phạt...

Phạm Thu Trang - ĐH Ngoại thương khẳng định nên tăng nặng các biện pháp trừng phạt tội phạm vị thành niên.
Phan Công Tiến đưa ra những luận chứng xác đáng để bảo vệ quan điểm không ủng hộ sửa luật để tăng nặng hình phạt với những trường hợp như
Lê Văn Luyện
.

Chung cuộc, Phan Công Tiến đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo và khán giả bởi khả năng chứng minh vấn đề, cách sử dụng ngôn từ sâu sắc, bài nói có dẫn chứng đáng tin cậy và thuyết phục.

Tiếp đó, vòng thi thứ hai: Hùng biện phản xạ cũng in đậm dấu ấn của Phan Công Tiến. Chàng sinh viên Khoa Luật ĐH Quốc gia có phong cách trình bày tự tin, đĩnh đạc đã chinh phục thành công ngôi vị vô địch cuộc thi Hùng biện Socrates 2012.

Tân vô địch cuộc thi Hùng biện Socrates 2012.
Tân vô địch cuộc thi Hùng biện Socrates 2012.