“Sinh vật lạ” trong mì ăn liền là tin đồn vô căn cứ

ANTĐ - Hết thông tin phát hiện giun sán, đỉa trong các sản phẩm bim bim, sữa bột… thì thời gian gần đây, người tiêu dùng cả nước lại thêm rùng mình trước phản ánh về việc có “sinh vật lạ” trong một số sản phẩm mì ăn liền. Tuy nhiên qua xác minh, đây chỉ là những tin đồn thiếu căn cứ.

Có thể lây nhiễm từ bên ngoài

Sự việc mới đây nhất xảy ra tại nhà bà Phạm Thị Diển (thôn Văn Quang, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), khi người trong gia đình bà phát hiện một con sán trên nền nhà lúc cho trẻ ăn mì. Theo như phản ánh của gia đình bà, thời gian từ khi nấu mì, cho trẻ ăn mì và phát hiện ra “sinh vật lạ” còn sống trên nền nhà (do làm đổ mì ra bàn và nền nhà) là 30 phút… Thông tin chưa được kiểm chứng này ngay lập tức trở thành tin đồn lan truyền rất nhanh, khiến nhiều người dân cảm thấy nghi ngờ. 

Trao đổi với báo chí, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này Cục An toàn thực phẩm vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo chính thức nào từ cơ quan y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình về vụ việc nói trên. Dù vậy, qua nắm bắt tình hình từ địa phương này thì thấy cơ quan chức năng của địa phương khi đến “hiện trường” đã nhặt mẫu “sinh vật lạ” từ nền nhà chứ không phải trong gói mì hay bát mì tôm mà người dân đang ăn dở, được nhân viên y tế xác định là sán. Loại sinh vật này vốn dĩ tồn tại nhiều trong môi trường, sống ký sinh ở các loài động vật nuôi như chó, mèo, lợn nên nếu không giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm tốt thì rất dễ bị lây nhiễm sang thực phẩm trong quá trình sử dụng.

Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, những sản phẩm đóng hộp như sữa, mì ăn liền hiện nay đều có công nghệ sản xuất, đóng gói hiện đại nên sinh vật lạ khó có thể tồn tại được. Với mì ăn liền, sợi mì khi chế biến đều qua nhiệt độ trên 100 độ C. Ở nhiệt độ như vậy, không một sinh vật nào có thể sống được. Quá trình thứ 2 là đóng gói kín, cũng được sử dụng công nghệ khép kín hiện đại nên khó có sinh vật nào vào được và càng không thể sống được trong môi trường này qua một thời gian dài. Nếu có đi chăng nữa thì có thể là do trong quá trình vận chuyển bao bì sản phẩm bị rách, hư hỏng, hoặc trong quá trình sử dụng người dân bảo quản thực phẩm không tốt khiến sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào.

Thận trọng trước tin đồn

PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm - Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, thông tin có giun, sán trong gói mì ăn liền quả thật là rất… khó tin. “Tôi có nghe đến thông tin này nhưng thực sự thấy nó rất phi lý. Bởi với các sản phẩm mì ăn liền, sợi mì được chế biến qua nhiệt độ cao lên tới hơn 100 độ C thì không thể có loài giun, sán nào sống sót được. Hơn nữa, khi mì được nấu chín ở nhiệt độ cao thì các loài giun, sán nếu có cũng sẽ bị giết chết chứ không thể vẫn sống” – bà Phan Thị Sửu cho biết. Vị chuyên gia này khuyến cáo, trước sự xuất hiện của những thông tin liên quan đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm như trên, người tiêu dùng không nên quá hoang mang vô căn cứ mà cần bình tĩnh để kiểm chứng và xử lý thông tin một cách đúng đắn nhất.

Tương tự, TS Trần Quang Trung cho rằng, các thông tin liên quan đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nhiều song qua xác minh của cơ quan chức năng, không phải trường hợp nào cũng đúng như phản ánh mà nhiều khi chỉ là tin đồn thổi. Ông cũng khẳng định lại tất cả các sản phẩm mì ăn liền cũng như sữa hiện nay được đóng gói bằng quy trình rất hiện đại và khép kín hoàn toàn cho nên không thể chứa sinh vật lạ. Những tin đồn này có thể xuất hiện do nhiều động cơ, mục đích khác nhau. Vì vậy, người tiêu dùng nên cập nhật, tham khảo thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và những thông tin đã được kiểm chứng, xác minh cụ thể, rõ ràng. Khi lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì sản phẩm còn nguyên vẹn, có ghi ngày sản xuất-hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác đầy đủ theo đúng quy định.