Sinh tử nhà báo chiến trường

ANTĐ - Nhà báo chiến trường trở thành một trong những nghề nguy hiểm khi ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân trong các cuộc xung đột và bạo lực trên khắp thế giới.

Một nhà báo đưa tin tại hiện trường một vụ đánh bom ở Iraq

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 17-7 đã tổ chức phiên thảo luận mở tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ) về chủ đề bảo vệ các nhà báo, tác nghiệp tại những nơi có xung đột, chiến tranh. Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Tổng Thư ký thứ nhất LHQ Jan Eliasson nhấn mạnh tình trạng sát hại các nhà báo tác nghiệp tại những khu vực có chiến sự ngày càng trở nên trầm trọng. 

HĐBA LHQ họp bàn bảo vệ các nhà báo trong các cuộc bạo lực, xung đột khi đây đã trở thành vấn đề báo động trên thế giới, đặc biệt năm 2012 vừa qua được xem là “năm chết chóc“ với các nhà báo. Trong khi thống kê của LHQ cho thấy 121 nhà báo bị thiệt mạng năm 2012 thì số liệu của Hiệp hội PEC - một tổ chức phi chính phủ bảo vệ các nhà báo có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ - lại đưa ra con số 141 nhà báo bị sát hại cùng năm, tăng 31% so với năm 2011. 

Cùng với cuộc xung đột Syria - chiến trường nóng bỏng nhất có 41 nhà báo thiệt mạng năm qua, cuộc chiến ở Somali, bạo lực ở Pakistan... đã biến năm 2012 thành năm có số lượng nhà báo tử nạn trong khi tác nghiệp nhiều nhất kể từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Trước đó, năm có số nhà báo thiệt mạng trong xung đột và chiến tranh nhiều nhất là năm 2009 với 110 nhà báo ngã xuống trong lúc tác nghiệp.

LHQ cho rằng đã có tới hơn 600 nhà báo bị sát hại trong một thập kỷ qua và điều đó đòi hỏi phải có ngay những biện pháp bảo vệ thật kiên quyết và hiệu quả từ phía cộng đồng quốc tế, trong đó có HĐBA. Ông 

Eliasson nhấn mạnh, cơ quan quyền lực cao nhất này của LHQ phải có những phản ứng mau lẹ và mạnh mẽ trước mọi hành động chống lại hoạt động báo chí, nhất là tại những nơi có xung đột, chiến tranh. 

Ngoài những nhà báo bị sát hại, còn có rất nhiều nhà báo khi tác nghiệp tại những nơi có chiến sự đã bị thu giữ đồ nghề, đánh đập dã man, hoặc bắt cóc làm con tin... trong đó không ít người là các nữ nhà báo và tệ hại hơn, họ còn bị cưỡng bức tình dục. Ông Eliasson dẫn báo cáo của các cơ quan chức năng LHQ cho biết, có tới 90% số vụ sát hại, truy bắt, đánh đập và đối xử thô bạo với các nhà báo chiến trường, đã không bị luật pháp sở tại truy tố hình sự.

Cho dù LHQ vào tháng 4-2012 đã phê chuẩn Kế hoạch hành động về đảm bảo an toàn của các nhà báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo mà không bị trừng phạt song năm 2012 lại là năm mà số nhà báo bị sát hại trong lúc tác nghiệp nhiều nhất từ trước tới nay. Chính vì thế, tại cuộc họp ngày 17-7, Tổng Thư ký thứ nhất LHQ Eliasson đã kêu gọi HĐBA và tất cả các nước thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ các nhà báo, nhất là những người đang hoạt động tại các vùng chiến sự. 

Ông Eliasson cũng yêu cầu các bên tham chiến trên thế giới phải có nghĩa vụ bảo vệ các nhà báo thực hiện quyền tự do báo chí, nghiêm trị những kẻ xâm phạm thân thể và nghề nghiệp của các nhà báo. Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu thuộc nhiều quốc gia, đại diện của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ)... thông qua những biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ hoạt động báo chí, nhất là ở những nơi có chiến tranh, xung đột.