Sinh ra là để thuộc về bầu trời!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ, những tháng ngày sống, học tập và chiến đấu của Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vừa ra mắt bạn đọc. Vốn là những suy nghĩ riêng tư, sự trải lòng trước những diễn biến thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, một học viên chập chững bay, của một phi công đi canh trời với đầy bỡ ngỡ… nhưng, từng câu từng chữ của “Nhật ký phi công tiêm kích” lại chính là những suy nghĩ chung của lớp thanh niên thuở ấy với tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh dân tộc.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ảnh chụp năm 1972

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ảnh chụp năm 1972

Cuốn sổ nhỏ và cuộc đời binh nghiệp

Cũng là trùng hợp khi “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát ra mắt cũng là trùng với thời điểm, cách đây 48 năm, Hà Nội tháng 12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam mà trọng tâm đánh phá là Hà Nội với tên gọi “Chiến dịch Linebacker II”.

Mở đầu cuộc trò chuyện với tôi, ông chậm rãi kể, những ngày sát cánh cùng đồng đội trong suốt những năm tháng dài của cuộc đời quân ngũ mãi mãi là ký ức không thể quên với ông. Chuyện ông đến với nghề phi công, trở thành một người lính, trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Không quân Việt Nam, một Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 27 tuổi… tất cả đều là cơ duyên và dường như, ông sinh ra là để thuộc về bầu trời vậy.

Năm 1965, thanh niên cả nước sôi nổi ra trận. Ông năm đó 19 tuổi, xung phong vào bộ binh, nhưng rồi 2 lần đi khám sức khỏe đều bị xếp loại B2, tức là sức khỏe loại… bét, rồi còn bị nhận xét là “to xác mà yếu”. Thế rồi, học xong lớp 10, thi tốt nghiệp xong thì có đoàn của bệnh viện về trường giám định sức khỏe tuyển phi công. Rất bất ngờ, ông là 1 trong 2 thí sinh của trường vượt qua vòng tuyển chọn phi công khắt khe. Vị bác sĩ của Bệnh viện 108 khi đó còn nhận xét, ông là một trong những thí sinh có sức khỏe tốt nhất trong đợt tuyển chọn phi công toàn miền Bắc.

Vừa trúng tuyển phi công thì lại nhận được giấy báo đi học đại học ở nước ngoài. Cũng có chút phân vân nhưng rồi ông đã lựa chọn cuộc đời binh nghiệp, gắn số phận mình với bầu trời. Ông nói vui, ngày gia đình chia tay ông đi học lái máy bay gần như phải bí mật, cứ lặng lẽ mà đi vì thế, không hề có cảnh tiễn đưa như trong phim, chia tay thương nhớ, trao khăn tay đẫm lệ…

Nguyễn Đức Soát nhập ngũ vào không quân tháng 7-1965, 23 ngày sau đó, ông cùng 58 học viên lên tàu từ ga Hàng Cỏ sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Và cũng chỉ sau 2 năm 9 tháng, các học viên đã học xong chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu MiG 21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thuở ấy, trong khi chương trình đào tạo đúng ra phải mất 5 năm. Nguyễn Đức Soát cùng các phi công tốt nghiệp năm đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đối đầu lịch sử năm 1972 giữa Không quân nhân dân Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát bảo, ông thật may mắn khi được là một trong số những học viên phi công năm ấy, không chỉ được chứng kiến mà còn được trực tiếp đồng hành cùng họ trong suốt những năm học bay, những năm tham gia chiến đấu, đến khi Mỹ phải chịu thua và tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc cuối năm 1972.

Ông bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20-3-1966 sau khi sang Liên Xô được 8 tháng, rồi cứ thế viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải dừng ném bom.

“Nhật ký phi công tiêm kích” và máy bay tiêm kích MiG 21 F94. Máy bay số hiệu 5020 của đoàn 927 đã từng được các Anh hùng không quân Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Nghĩa… sử dụng và lập công xuất sắc qua nhiều trận chiến quyết liệt với Không quân Mỹ, tháng 12-1972

“Nhật ký phi công tiêm kích” và máy bay tiêm kích MiG 21 F94. Máy bay số hiệu 5020 của đoàn 927 đã từng được các Anh hùng không quân Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Nghĩa… sử dụng và lập công xuất sắc qua nhiều trận chiến quyết liệt với Không quân Mỹ, tháng 12-1972

Kể lại sự khởi đầu của cuốn nhật ký, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cười: “Khi đó mãi mới mua được cuốn sổ, trước khi viết nhật ký, tôi đặt cho nó cái tên là “Đời bay”. Đang cặm cụi viết thì có người bạn đi vào nhìn thấy và góp ý: Thế đặt là “Đời bay” mấy nữa “cắt bay” thì gọi là “Đoạn đời bay” à? Nghe người bạn nói thế ông cũng thấy hơi sợ, đấu tranh tư tưởng một hồi rồi quyết không đổi và may mắn là ông gắn mình với bầu trời với những lần cất cánh và hạ cánh đến mãi về sau này.

Cuốn nhật ký được học viên Nguyễn Đức Soát cẩn thận đựng trong một túi nilon từng đựng kẹo rồi cất gọn trong túi áo ngực trái. Suốt những năm tháng chiến tranh, ông luôn mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình, cuốn sổ nhỏ đó đã theo ông trong cả những chuyến bay huấn luyện lẫn những lần xuất kích chiến đấu, một mặt để tiện ghi chép, song chủ yếu là để nếu không may lâm nạn, cuốn sổ đó sẽ mãi mãi đi theo ông.

Tài hoa ra trận

Hơn 50 năm đã trôi qua, kể từ ngày phi công Nguyễn Đức Soát viết những dòng nhật ký đầu tiên những tưởng, cuốn nhật ký đó sẽ chỉ là câu chuyện của cá nhân ông và những bạn bè thân thiết, nhưng rồi, một “Nhật ký phi công tiêm kích” dày dặn với gần 500 trang đã ra mắt đông đảo bạn đọc. Lý do cho sự ra đời là: “Nhân 65 năm Ngày truyền thống Không quân, Ban Liên lạc Cựu chiến binh đề nghị tôi viết một bài, để lấy tư liệu, tôi quyết định đọc lại nhật ký. Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy ố vàng vì thời gian, tôi bỗng được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc” - Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ ấy đã kể lại một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc, thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ năng bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp được của lớp phi công vừa rời ghế nhà trường… Ông quyết định công bố nhật ký của mình với mong muốn, thế hệ trẻ có thể biết thêm về những người lính không quân trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát và cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích”, sách do NXB Trẻ ấn hành

Trung tướng Nguyễn Đức Soát và cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích”, sách do NXB Trẻ ấn hành

Từng câu từng chữ trong “Nhật ký phi công tiêm kích” hiện lên với đầy trong trẻo, khát vọng được bay trên bầu trời quê hương và Tổ quốc thiêng liêng là thứ “bất khả xâm phạm”. Đọc nhật ký của ông, người đọc có thêm những hình dung tuyệt vời tình yêu Tổ quốc về lý tưởng của cả một thế hệ “tài hoa ra trận”. Tổ quốc là tiếng hát hồn nhiên của con trẻ: “Đa Phúc, 22-6-1968. Tiếng trẻ hát từ một ngôi làng dưới chân đồi vọng lên nghe mới đáng yêu làm sao! Nó có sức lôi cuốn, quyến rũ bắt mình phải chiến đấu sao cho những giọng trẻ thơ ấy vang mãi giữ bầu trời yên bình”.

Tổ quốc là sông Hồng cuộn chảy, là cánh đồng xanh và những ngôi làng ẩn hiện: “Đa Phúc, 11-5-1968, Tổ quốc mình đẹp thật! Từ trên cao nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé, ẩn hiện trong biển cả của màu xanh. Lòng mình rộn lên niềm vui không khác gì lần đầu được tung cánh. Đây là trời của mình, đất của mình, người của mình, mình có trách nhiệm giữ gìn”.

Đọc “Nhật ký phi công tiêm kích” người đọc hồi hộp cùng phi công Nguyễn Đức Soát trong lần nhảy dù đầu tiên, hay lần bắn cháy máy bay không người lái đầu tiên. Trung tướng Nguyễn Đức Soát bảo, cái lần bắn cháy máy bay đầu tiên thì niềm vui của ông “trẻ con lắm”. Đến khi bắn rơi cái máy bay thứ hai thì “bình tĩnh hơn”… Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Cuốn nhật ký dù khởi đầu là “chuyện của một người” nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh.