Sinh người, quên không “sinh” trường

ANTĐ - Bàn về quản lý an toàn thực phẩm, có ý kiến cho rằng, chúng ta luôn ở thế bị động, hầu như chỉ “theo đuôi” để xử lý những sự cố sản phẩm có chất độc hại được phát hiện ở… nước ngoài. Nếu không có cảnh báo từ bên ngoài, chúng ta vẫn mặc nhiên sử dụng vì chỉ nhìn bao bì xanh đỏ thì có trời mới biết “nó” độc thế nào, tác hại lâu dài tới sức khỏe ra sao…

Cũng một dạng “theo đuôi” như thế là chuyện xây trường học ở Hà Nội. Chung cư mấy chục tầng cứ xây, dân số cứ “đẻ” sòn sòn nhưng số trường học thì 10 năm… “nguyễn y vân”. Thành ra, chuyện xếp hàng suốt đêm xin học, chuyện “phong bì” để được học trường công năm nào cũng diễn ra.

Có người đổ tội cho khâu dự báo kém, thành thử, người tăng nhanh mà trường học chẳng theo kịp. Điều này có phần đúng nhưng chưa đủ. Ở những khu đô thị mới, từ lúc quy hoạch, tức là nhà còn trên giấy, dân chưa tới ở, người ta đã chỉ rõ, mấy nghìn dân phải có một trường học, xây ở chỗ nào, bao nhiêu tầng, rất rõ ràng. Ấy thế nhưng, 5-7 năm sau, dân tới ở đông đúc như nêm mà trường học ôi thôi chưa thấy bóng!

Người sinh ra nhưng đất không sinh ra. Ở nội thành càng khó có đất để xây thêm trường. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không có. Bằng chứng là vẫn có những dự án chung cư hay văn phòng mọc lên đó thôi. Điều cốt yếu phải làm ngay lúc này không chỉ là dự báo nhu cầu mà là phải có một bản quy hoạch, “khoanh” những khu đất nhỏ lẻ ít ỏi còn lại để dành xây trường học sau này, không cho phép những chung cư hay văn phòng “chiếm chỗ”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu, chỉ trong 1 năm (2011-2012), phải xây dựng thêm 6 trường mầm non công lập cho 6 phường, thuộc 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Đây là những phường nội thành cuối cùng đang “trắng” trường mầm non. Ông còn nhắc nhở, các sở, ngành, quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc để thiếu trường học. Phụ trách mảng quy hoạch, ông không quên chỉ đạo, thu hồi những khu đất đang bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả… để dành cho trường học. Với các nhà đầu tư khu đô thị mới, ông nhấn mạnh, sẽ thu hồi giấy phép đầu tư nếu doanh nghiệp cố tình “quên” hay lơ là việc xây trường học… Với những động thái quyết liệt, cụ thể như thế, người dân Hà Nội có thể hy vọng, bức xúc vì thiếu trường học sẽ giảm hẳn trong vài năm tới.