Sinh mệnh chính trị mong manh của Tổng thống Hàn Quốc

ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng trên chính trường Hàn Quốc tuần qua vẫn tiếp diễn xung quanh sinh mệnh chính trị của Tổng thống Park Geun-hye sau vụ bê bối liên quan người bạn thân lâu năm của bà là Choi Soon-sil. Tình hình càng trở nên nguy cấp đối với nhà lãnh đạo này, khi phe đối lập quyết định thúc đẩy một bước đi quyết liệt hơn bằng việc trình kiến nghị luận tội bà tại Quốc hội.

Tiếng đồng hồ luận tội bắt đầu điểm vang

Tiếng đồng hồ luận tội Tổng thống Park Geun-hye đã bắt đầu điểm vang vào ngày 3-12, khi các đảng đối lập đã trình kiến nghị luận tội nhà lãnh đạo này lên Quốc hội Hàn Quốc với cáo buộc bà đã vi phạm Hiến pháp. Kiến nghị luận tội dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp vào ngày 9-12 tới.

Trong bản kiến nghị, các đảng đối lập tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye đã vi phạm Hiến pháp cũng như nhiều đạo luật khác, đồng thời nêu rõ bà đã lạm dụng quyền lực mà người dân trao gửi. Các đảng này cáo buộc Tổng thống Park Geun-hye đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil - một người không nắm giữ chức vụ chính thức nào trong Chính phủ - can thiệp vào công việc Nhà nước và gây rối thị trường thông qua việc ép nhiều tập đoàn kinh tế lớn phải quyên tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận. Ngoài ra, họ cũng cho rằng Tổng thống Park Geun-hye đã không bảo vệ được cuộc sống của người dân như đã được quy định trong Hiến pháp, thể hiện qua vụ chìm phà Sewol hồi tháng 4-2014, làm 304 người thiệt mạng. 

Để được thông qua, kiến nghị này cần được ít nhất 200 trong tổng số 300 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, tức là ít nhất phải có được lá phiếu của 28 nghị sĩ Đảng Saenuri cầm quyền. Trong nội bộ Đảng Saenuri cầm quyền, những người trung thành với Tổng thống Park Geun-hye đã phản đối kiến nghị luận tội và nêu ý kiến rằng nhà lãnh đạo này nên tự nguyện từ chức vào cuối tháng 4-2017. Trong khi đó, những người phản đối trong đảng này lại kêu gọi bà tới ngày 7-12 phải đưa ra kế hoạch cụ thể cho việc từ chức, nếu không họ sẽ ủng hộ việc luận tội.

Trước đó, Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố sẵn sàng từ bỏ quyền lực theo trình tự thời gian và thủ tục mà Quốc hội đưa ra nhằm giảm khả năng nảy sinh khoảng trống trong việc điều hành các công việc Nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo các đảng đối lập hôm 30-11 đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Park Geun-hye về việc Quốc hội quyết định một thời gian biểu và các thủ tục cho việc cắt giảm nhiệm kỳ cầm quyền của bà, qua đó làm rõ rằng sẽ không có các cuộc thương lượng với Đảng cầm quyền Saenuri.

Nguy cơ bất ổn chính trị gia tăng 

Như vậy, viễn cảnh diễn ra việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye đang ngày càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả trong trường hợp Tổng thống Park Geun-hye từ chức, khoảng trống ở đỉnh chính trường Hàn Quốc vẫn tồn tại dai dẳng. Một số nhà quan sát thận trọng nghĩ rằng Tổng thống Park có thể lừa dối, hi vọng rằng viễn cảnh về một cuộc bỏ phiếu sớm sẽ buộc phe đối lập để cho bà tại nhiệm. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Park vẫn tại nhiệm, bà sẽ trở thành người quá tổn thương để có thể lãnh đạo. Điều này đặc biệt nguy hiểm do Triều Tiên có thiên hướng lợi dụng sự suy yếu ở Hàn Quốc. Sự yếu kém cũng khiến tất cả những sáng kiến chính sách của bà 

Park Geun-hye phải đối mặt với thách thức. Theo Thời báo Nhật Bản, những người có yêu sách đối với Tổng thống Hàn Quốc sẽ khôn ngoan hơn khi tập trung vào những khiếm khuyết về cấu trúc - điều khuyến khích sự pha trộn giữa những lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị, vốn là nơi mà vụ bê bối hiện nay bắt đầu.

Sự ủng hộ của dư luận Hàn Quốc đối với Tổng thống Park Geun-hye đã giảm tới mức thấp nhất từ trước tới nay sau khi những thông tin về vụ bê bối 

Park Geun-hye - Choi Soon-sil được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tổng thống Park Geun-hye đã có nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng, trong đó có cả việc công khai xin lỗi tới 2 lần chỉ trong vòng 2 tuần, song vẫn không thể xoa dịu sự tức giận của người dân, thậm chí còn khiến họ bất bình hơn nữa.

Cho dù Tổng thống Park Geun-hye có ngay lập tức từ nhiệm hay không thì cuộc khủng hoảng này cũng đe dọa làm tê liệt chính quyền Hàn Quốc trong nhiều tháng tới. Bê bối xảy ra đúng thời điểm người dân Hàn Quốc đang rất lo ngại về cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới ở Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và về việc nước láng giềng phía Bắc tìm cách chế tạo tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Nhiều người lo ngại rằng Quốc hội Hàn Quốc, hiện do phe đối lập kiểm soát, sẽ vô hiệu hóa chính quyền nhằm gửi tới Tổng thống Park Geun-hye một thông điệp rằng các quyết định của bà đã không còn giá trị. Và bởi vậy, việc thông qua thỏa thuận trao đổi thông tin với Nhật Bản có thể sẽ bị trì hoãn, và kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc mà Mỹ công bố hồi tháng 7 vừa qua có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn nữa.

Tại Hàn Quốc đã từng xảy ra nhiều bê bối có liên quan đến các mối quan hệ cá nhân, tuy nhiên sự giận dữ của dư luận đối với vụ việc lần này được cho là trầm trọng hơn bao giờ hết, chủ yếu bắt nguồn từ những bí mật của Tổng thống Park 

Geun-hye, từ việc bà không giải trình về những gì bà Choi Soon-sil đã làm song thừa nhận có liên quan tới bê bối này và từ những lo ngại xung quanh việc Tổng thống đã bổ nhiệm nhiều vị trí và đưa ra nhiều chính sách với sự cố vấn của bà Choi Soon-sil - một người bạn dùng ảnh hưởng và mối quan hệ với Tổng thống để tư lợi. Bê bối đã khiến quyền lực và ảnh hưởng của Tổng thống Park Geun-hye bị thu hẹp đáng kể và người ta cho rằng chưa thể biết bà sẽ tại vị được trong bao lâu.