Sinh con ra để làm gì?

ANTD.VN - Hà Nội một ngày mưa, tôi ngồi với một người đàn ông đã chập chùng tuổi về hưu. Anh đang là cán bộ lãnh đạo của một đơn vị, uy nghi và được nhiều người nể trọng. 

Sinh con ra để làm gì? ảnh 1Ai cũng muốn mình trở thành người bạn của con cái để có thể chia sẻ, tâm sự mọi bí mật 

Tiệc sắp tàn, bỗng anh hỏi một câu: “Ở Việt Nam có dịch vụ tang lễ nào trọn gói dành cho người đang sống không nhỉ?”. Câu hỏi của anh kéo không khí chùng xuống. “Anh hỏi cho ai à?”, một người lên tiếng. “Không, anh hỏi cho chính anh”, anh đáp lại. “Ôi giời, anh còn trẻ khỏe thế, lo gì?”, thêm một ai đó chèn vào. 

Anh im lặng, nhấp thêm chén rượu nữa. Đàn ông khi rượu đã mềm môi dễ nói ra những điều sâu kín. Và điều sâu kín của anh chính là cô con gái mà anh đã gà trống nuôi nấng. “Bố anh chết thì anh lo, nhưng bố của con anh chết thì nó không lo đâu. Anh muốn tự lo cho mình”, anh tâm sự. 

Vợ chồng anh ly hôn từ rất sớm, khi con gái anh vẫn còn bé nhỏ. Anh nuôi nấng con bằng tất cả tình yêu của mình và bằng những vật chất có thể lo được. Nhưng càng lớn, cô con gái càng xa rời vòng tay bố hơn, đến nỗi trở thành đối lập. 

“Lâu rồi bố con anh không nói chuyện với nhau đúng nghĩa. Hoặc là anh mắng nó, hoặc là nó mắng ngược lại anh. Một bên nói, một bên im lặng. Thế thôi. À, cũng có khi nó bất ngờ  gọi: Bố ơi. Cái tiếng bỗng dịu và lênh láng yêu thương. Khi đó, anh sẽ đáp lại nó: Bao nhiêu? Nó đọc con số và anh rút ví. Đấy là giao tiếp phổ biến nhất”, anh kể. 

Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến một người cha khác. Người cha đó từng tự đặt lên bàn nhậu một câu hỏi: Mình sinh con ra để làm gì nhỉ? Câu hỏi tưởng như thừa mứa ấy chứa đựng đằng sau bi kịch của gia đình. Cậu con trai duy nhất của anh đã phá tan nát gia sản mà anh gây dựng, cũng chính nó đẩy bố nó rơi từ cầu thang xuống đất, phải nằm viện cả tháng khi cố ngăn nó ra khỏi nhà tụ tập với đám bạn. 

“Sinh con ra để làm gì nhỉ?”, anh nhắc đi nhắc lại câu hỏi đó và rồi anh tự trả lời. Đầu tiên là để được làm cha một đứa trẻ. Được dạy nó những điều tốt đẹp mình đã từng trải và đã được dạy. Xa hơn nữa, nuôi nó còn là để nuôi một hy vọng cuối đời, khi tuổi già ập xuống có người chăm lo, phụng dưỡng. Nhưng để từng ấy cái được cho mình, anh mất đi nhiều quá. 

Mới đây, cộng đồng được một dịp rơi nước mắt khi chứng kiến câu chuyện 15 năm chữa bệnh cho con của diễn viên Quốc Tuấn. Trong hành trình khổ ải ấy, người cha ít rơi nước mắt giờ bỗng dễ khóc hơn khi kể về con mình. “Ai rơi vào hoàn cảnh của tôi cũng làm vậy thôi”, tôi nhớ đã nghe không ít lần anh nhắc đi nhắc lại câu đó.

Sinh con ra để làm gì? ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Mỗi khi chứng kiến bất hạnh của một ai đó, ta thường liên hệ sang mình để thu vén hạnh phúc hiện tại. Có không ít người cha, người mẹ đã tâm sự trên facebook, chứng kiến hành trình của Quốc Tuấn và Bôm, họ đã nhìn sang đứa con mình đang im lìm trong giấc ngủ và mong ước: Con chỉ cần lớn lên khỏe mạnh, sống tử tế và hạnh phúc là được rồi. 

Nhiều người cha, người mẹ mong ước giản đơn như vậy. Nhưng lại không ai dũng cảm thừa nhận rằng, đó chỉ là mong ước số hai, khi họ bắt buộc phải lựa chọn. Mong ước số một đó là: Con phải thành công, nổi bật… Nói tóm lại, mong ước số một của bất cứ một đấng sinh thành nào là mọi sự tốt đẹp nhất, tử tế nhất đều thuộc về con mình. Khi có một đứa con, bỗng nhiên người ta thu hẹp đi cái riêng cho mình, chỉ muốn tất cả thuộc về phần còn lại của ruột thịt ấy. 

Diễn viên Quốc Tuấn mất 15 năm để chữa bệnh cho con, phải làm thêm nhiều việc mà anh không tiện nêu tên, nhưng anh hạnh phúc hơn nhiều người cha, người mẹ khác. Con anh cảm thụ được sự hy sinh đó, con anh gọi bố là “anh Tuấn” và xưng là em. Như thế, Bôm đã coi cha mình như một người anh hơn tuổi. Gia đình là vậy, vợ chồng không thể làm bạn của nhau. Bởi người ta chẳng cần tình bạn để phải cùng nhau sinh một đứa con, cùng nhau nuôi nấng và dạy dỗ nó. Nhiều cặp hôn nhân tan vỡ chỉ bởi vì sống càng lâu với nhau càng thấy mình giống bạn bè hơn là vợ chồng. Tình phụ tử thì khác. Ai cũng muốn mình trở thành người bạn của con. Người con có thể chia sẻ, tâm sự mọi bí mật của mình. Từ những xúc cảm đầu đời đến rón rén yêu thương, từ những dậy thì thể xác đến những lựa chọn tương lai. 

Ai cũng có kiểu hạnh phúc của riêng mình, kiểu bất hạnh của riêng mình. Quốc Tuấn không có một cậu con trai sinh ra đã khỏe mạnh, nhưng anh có kiểu hạnh phúc của riêng anh vì có một cậu con trai với tâm hồn trong trẻo và yêu thương bố hết lòng. 

Người đàn ông tôi đã kể ở đầu bài không hề nói đùa. Anh đang hoang hoải đi tìm một dịch vụ đám tang trọn gói. Anh đang lo cho ngày mình nằm xuống, không muốn con cái lại thêm một lần giận cha nó vì sao lại chết đúng lúc nó đang bận hay còn chưa chuẩn bị tinh thần. Còn con anh, có thể một lúc nào đó cũng đang lên mạng, dằn bàn phím để phê phán một người khác đang đối xử bất kính với mẹ cha. 

Mỗi khi chứng kiến bất hạnh của một ai đó, ta thường liên hệ sang mình để thu vén hạnh phúc hiện tại. Khi có một đứa con, bỗng nhiên người ta thu hẹp đi cái riêng cho mình.