Singapore ơn người lập quốc Lý Quang Diệu

ANTĐ - Tin buồn đến với người dân Singapore sáng qua 23-3: Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời lúc 3h18, hưởng thọ 91 tuổi. Không chỉ Singapore, thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo xuất chúng, người đã biến đảo quốc sư tử từ một hòn đảo nhỏ bé không hề có tài nguyên thiên nhiên gì trở thành trung tâm tài chính giàu có bậc nhất châu Á. Sinh thời ông nói: “Tôi không có gì phải hối tiếc. Cả cuộc đời gây dựng đất nước. Cuối cùng được lại gì? Một Singapore thành công. Còn tôi từ bỏ gì? Cuộc đời mình”.

Singapore ơn người lập quốc Lý Quang Diệu ảnh 1Thủ tướng Lý Quang Diệu thăm nhà ga 3 sân bay Changi ngày 22-10-2007

Nhiệt huyết của vị luật sư trẻ

Lý Quang Diệu sinh ra trong một gia đình bình dân. Cha ông, Lee Chin Koon, là một người thủ kho của công ty dầu khí Shell. Mẹ ông là bà Chua Jim Neo chỉ ở nhà nội trợ. Ông Lý Quang Diệu luôn đứng trong danh sách 150 sinh viên xuất sắc nhất Singapore, thường xuyên dẫn đầu về điểm số tại các kỳ thi và nhận nhiều học bổng danh giá suốt thời gian đi học. Ông theo đuổi ngành luật và tốt nghiệp hạng ưu từ trường Fitzwilliam thuộc Đại học         Cambridge của Anh. Năm 1950, ông về Singapore và vào làm tại hãng Luật Laycock & Ong, một trong những hãng luật ra đời sớm nhất ở Singapore.

Là một luật sư trẻ mới về nước, Lý Quang Diệu giành phần lớn thời gian của mình để hỗ trợ các tổ chức công đoàn và các nhóm thiểu số để đấu tranh với các ông chủ người Anh. Vụ lớn đầu tiên mà ông phải xử lý là giúp công đoàn của những người đưa thư đòi tăng lương. Những vụ như thế này thường không được hãng luật nơi ông làm việc nhận. Ông lấy tiền công 10 đôla Singapore (SGD) trong khi những hãng luật khác chỉ nhận với mức 15.000 SGD. Rất nhanh, ông nổi lên như một thiên thần bảo vệ những người yếu thế và trở thành cố vấn pháp lý cho hơn một trăm công đoàn và hiệp hội. Chính danh tiếng này đã giúp ông có được sự ủng hộ lớn mạnh sau này khi ông chạy đua trong cuộc bầu cử năm 1955. Sau này, khi đã trở thành Thủ tướng năm 1959, ông vẫn tiếp tục quan tâm tới mối quan hệ giữa người lao động và các nhà công nghiệp, thường xuyên can thiệp để dàn xếp các xung đột giữa người lao động và giới chủ.

Singapore ơn người lập quốc Lý Quang Diệu ảnh 2Ông Lý Quang Diệu cùng con gái nghe công nhân nói chuyện trong chuyến thăm khu công nghiệp Jurong năm 1965

“Cha đẻ” của Singapore

Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore khi Đảng hành động vì nhân dân do ông sáng lập thắng cử năm 1959. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của Singapore dưới chính quyền tự quản tuy vẫn là thuộc địa của Anh.

Năm 1963, ông bắt đầu dẫn dắt Singapore tới độc lập bằng cách sáp nhập với Malaysia. Trong thời gian này, ông vẫn giữ chức Thủ tướng thay vì đổi tên chức vụ của mình Thống đốc, một điểm vẫn gây bất hòa với Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ. Do tồn tại nhiều bất đồng, Singapore tách ra khỏi Malaysia năm 1965. Kể từ đó, ông là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore hoàn toàn độc lập. 25 năm sau đó, ông chèo lái con thuyền Singapore một cách đầy quyết đoán, mở cửa tự do mậu dịch và kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư. Chính điều này đã đem lại sự lớn mạnh rất nhanh cho Singapore. Ông đề cao việc lựa chọn người xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo, xây dựng xã hội đa chủng tộc và một chính phủ không tham nhũng. Mặc dù các chính sách “bàn tay sắt” của ông gây ra tranh cãi nhưng việc Singapore dần trở thành “con hổ châu Á” là điều không thể phủ nhận được.

Dấu ấn Lý Quang Diệu

Singapore ơn người lập quốc Lý Quang Diệu ảnh 3Thủ tướng Lý Quang Diệu thăm một số dự án nhà ở Singapore năm 1959 - năm mà Chính phủ tuyên bố đầu tư chương trình 415 triệu USD để cung cấp nhà  cho ít nhất 420.000 người dân

Những năm đầu, Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra tầm nhìn chiến lược về cảng biển, chính sách nhà ở và phát triển công nghiệp. Năm 1959, Singapore có điểm xuất phát chỉ là hòn đảo không giàu tài nguyên, dân cư thưa thớt, lại không có việc làm vì công nghiệp chưa phát triển. Nhà lãnh đạo tài ba đã tìm mọi cách kết nối Singapore với thế giới bằng cách tăng hiệu quả sử dụng cảng biển, đổi mới quy trình làm theo ca. Sau đó, nhờ đầu tư đúng và cơ giới hóa chuẩn xác mà Singapore đã trở thành cảng sầm uất thứ hai thế giới. Với sự cố vấn của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, Singapore đã phát triển nền công nghiệp cần nhiều nhân công như lọc dầu tại đảo Pulau Bukom và các nhà máy sản xuất tại đảo Jurong.

Ông theo đuổi một cách quyết liệt chính sách nhà công. 26.000 căn hộ được xây dựng trong chỉ vỏn vẹn có 3 năm, nhiều hơn số căn hộ được xây trong 32 năm trước đó. Khi ông Lý về hưu năm 1990, GDP của Singapore đã tăng 7 lần tới mức 14.711USD/đầu người và 8/10 người Singapore sở hữu căn hộ công của chính mình.

 Cho dù ông Lý Quang Diệu không quan tâm lắm tới tên tuổi của mình nhưng những nhà lãnh đạo toàn cầu luôn nhìn nhận ông như một lãnh tụ có tầm nhìn phi thường. Ông đã đưa Singapore lên tầm quốc tế trong suốt 5 thập kỷ xây dựng quan hệ đối ngoại không ngừng nghỉ. “Một quốc gia nhỏ bé cần phải cố gắng tìm kiếm và có thật nhiều bạn trong khi giữ vững mình như một quốc gia độc lập, tự do và có chủ quyền” - ông nói năm 2009.

Lý luận của Lý Quang Diệu về tương lai Singapore đã được tổng kết trong một cuộc phỏng vấn giữa ông với đài truyền hình Trung Quốc hồi 2005, ông nói: “Trong một thế giới có sự khác biệt, chúng tôi cần tìm một cái riêng, độc đáo cho mình, những góc nho nhỏ, nơi mà bất chấp quy mô nhỏ của mình, chúng tôi vẫn có thể thực hiện vai trò có ích cho thế giới”. Để chứng minh cho thế giới về sự khác biệt đó, Lý Quang Diệu đã cống hiến cả đời mình, khiến cho cả thế giới và người dân Singapore thực sự trân trọng và nể phục ông. 

Kỳ 2: Lý Quang Diệu - nhà lãnh đạo đầy tình người