"Siêu ủy ban" quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước: Bình mới rượu cũ?

ANTĐ - Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) công bố, lấy ý kiến đang gây sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về hiệu quả hoạt động của “siêu cơ quan” này.

"Siêu ủy ban" quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước: Bình mới rượu cũ? ảnh 1

"Siêu ủy ban" có sẽ quản lý vốn Nhà nước hiệu quả?

Sẽ giám sát vốn Nhà nước

Theo dự thảo Nghị định, cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp có tên gọi là Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập, có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. 

Khi Ủy ban này được thành lập sẽ thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ bộ quản lý ngành về Ủy ban, bao gồm cả SCIC, trừ các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh (tổng tài sản) lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng.

Bộ KH-ĐT cho biết, Nghị định được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước và mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước; Hoàn thiện quy định pháp luật về các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với các luật mới ban hành thời gian qua; Nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với doanh nghiệp Nhà nước. 

Quan trọng là vấn đề con người?

Ngay sau khi dự thảo Nghị định về “siêu ủy ban” này được đưa ra, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Theo một chuyên gia kinh tế, việc thành lập cơ quan này sẽ kéo quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm thêm 1 nhịp nữa. Bởi vì, các doanh nghiệp Nhà nước buộc phải chuyển giao về Ủy ban mới rồi mới tiến hành được tái cơ cấu, cổ phần hóa. Dự kiến có 30 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thuộc diện chuyển giao, trong đó có nhiều doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.

Nhưng quan trọng hơn, theo ông Trần Tiến Cường- Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp  (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, chức năng con người cần chuyên nghiệp mới giải quyết được câu chuyện vốn và tài sản thất thoát. “Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm một số nước đã đi trước”- ông Trần Tiến Cường nói.

Từ thực tế có nhiều điểm chưa thành công của SCIC, đặc biệt là việc sử dụng và phân bổ vốn nhà nước chưa hiệu quả ,chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH-ĐT) bình luận: “Việc thành lập 1 mô hình “siêu ủy ban” mới cũng thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp nói mới nhưng thực ra chưa có nhiều đột phá. Cần  đưa ra những điểm cụ thể hơn về cách  thức hoạt động, con người, quyền hạn cũng như nghĩa vụ của người trong mô hình mới”. Ông Lưu Bích Hồ cảnh báo, không loại trừ mô hình siêu ủy ban lớn cũng dẫn đến siêu quyền lực.