Siêu tiêm kích J-31 của Trung Quốc bị chê “tơi tả”

ANTĐ - Sau khi xuất hiện và trình diễn công khai tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Chu Hải được tổ chức tại tỉnh Quảng Đông cách đây không lâu, chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc đã nhận được nhiều đánh giá không tốt từ cả dư luận trong và ngoài nước. 

Siêu tiêm kích J-31 của Trung Quốc bị chê “tơi tả” ảnh 1Chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc

Ngay khi được đưa tra trình diễn, J-31 của Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, nó là sản phẩm nhái nhiều đặc tính của chiến đấu cơ F-22 và F-35 của Mỹ. Ngoài ra, đặc điểm bị chê nhiều nhất ở J-31 là xuất hiện khói ở đuôi máy bay khi cất cánh và trong khi trình diễn. Theo một số chuyên gia kỹ thuật, việc khói đuôi xuất hiện ở J-31 có thể xuất phát từ động cơ kém, đốt không hết nhiêu liệu.
Hiện nay, theo nhiều phỏng đoán và tin đồn có hai loại động cơ có thể được Bắc Kinh sử dụng để lắp đặt trên máy bay chiến đấu J-31 thử nghiệm, đó là động cơ RD-93 nhập khẩu của Nga và động cơ WS-13, cũng là một phiên bản do Trung Quốc phát triển từ động cơ RD-93.

Hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh đã sử dụng loại động cơ nào để lắp đặt cho J-31 thử nghiệm trong Triển lãm tại Chu Hải.

Ở trong nước,J-31 cũng vấp phải nhiều lời chê bai từ dư luận. Trong một bài phát biểu ở Hạ Môn vào ngày 17-11, Phó Đô đốc hải quân Trung Quốc, Zhang Zhaozhong cho rằng, kỹ thuật đảo ngược (nhái) của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế và phải mất nhiều năm nữa, Bắc Kinh mới đạt được bước đột phá trong việc phát triển động cơ máy bay.

Ông Zhang cho biết, quá trình phát triển động cơ phản lực cho máy bay có liên quan chặt chẽ đến trình độ cơ khí và kiểm soát kỹ thuật số, các công nghệ về sau ngày càng khó. Theo ông, để đạt được tiến bộ, thành công trong một thời gian ngắn là rất khó.
Bên cạnh đó, vị phó đô đốc cũng chỉ ra rằng, chiến đấu cơ tàng hình J-31 còn có một điểm yếu nữa là quá nặng.

Trong khi đó, ở nước ngoài, nhà phân tích của Tập đoàn Teal, Richard Aboulafia nhận định, triển vọng xuất khẩu máy bay phản lực J-31 ra thị trường nước ngoài là không khả thi.

Ông Aboulafia cho rằng, hầu hết các nước đã và đang mua máy bay của Trung Quốc chế tạo đều là những nước nghèo; khách hàng lớn, khá nhất là Pakistan. Hơn nữa, bản thân Trung Quốc cũng đang phải mua máy bay chiến đấu hiện đại của nước ngoài (Nga) nên việc thuyết phục các nước khác mua sản phẩm của mình sản xuất là rất khó khăn.
Nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm các khách hàng mới, chủ yếu là các quốc gia láng giềng và khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng sẵn sàng mua vũ khí của nước này vì thực tế, Bắc Kinh có quan hệ không mấy tốt đẹp với quốc gia trong khu vực. 
Hơn nữa, máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc có thể sẽ trở nên lỗi thời vì không quân và hải quân Mỹ đã thực hiện kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp cao cấp hơn để thay thế cả F/A-18E/F và F-22 vẫn còn đang rất tin cậy và hiệu quả.