Siêu tiêm kích F-35 lần đầu vượt biển thể hiện uy lực ở châu Âu

ANTĐ - Siêu tiêm kích tàng hình đa năng F-35 JSF sẽ thực hiện chuyến bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên vào tháng 7 tới, trong khuôn khổ các hoạt động ra mắt và trình diễn tại hai cuộc triển lãm hàng không quốc tế ở châu Âu.

F-35 lần đầu vượt Đại Tây Dương, chính thức ra mắt ở nước ngoài

Ngày 16-4, các quan chức quân sự Mỹ và Anh cho biết, kế hoạch này đã chính thức được Bộ Quốc phòng Mỹ phê duyệt.

Theo đó, máy bay chiến đấu mới này sẽ lần đầu tiến xuất hiện ở ngoài nước Mỹ tại Triển lãm hàng không quốc tế hoàng gia Anh (hay RIAT), một cuộc triển lãm hàng không quân sự thường niên được tổ chức ở ngoại ô London vào tháng 7, sau đó là Triển lãm Farborough cũng tại Anh.

Với kế hoạch trên, Lầu Năm Góc hy vọng F-35 sẽ nhận được sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng, trong đó có Canada và Đan Mạch, hai quốc gia tham gia tài trợ cho dự án tốn kém nhất trong lịch sử này, nhưng chưa cam kết đặt mua F-35 do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của chế tạo.

Các nước tham gia tài trợ dự án này gồm có Anh, Italy, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, Nhật Bản, Israel, Singapore và Hàn Quốc đã đặt hàng mua loại máy bay chiến đấu siêu tối tân, thuộc thế hệ thứ 5 này.

Phiên bản F-35A


F-35 là loại máy bay đa năng, có thể thực hiện các phi vụ tấn công trên đất liền, trên biển và nhiệm vụ do thám. F-35 có ba phiên bản khác nhau gồm F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B có thể cất và hạ cánh như máy bay thông thường và thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.

Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất. F-35 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 15-12-2006.

Máy bay F-35 có chiều dài 15,67, sải cánh 10,7m, chiều cao 4,33, trọng lượng rỗng 13,3 tấn, trọng lượng đầy tải 22,47 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 31,8 tấn. Tầm hoạt động của máy bay đạt 2.220 km, với tốc độ tối đa 1.930 km/giờ.

Phiên bản F-35B

Dự án siêu tốn kém, tính năng còn nghi vấn

Những người ủng hộ máy bay chiến đấu F-35 cho rằng, quyết định này phản ánh sự tự tin ngày càng cao đối với chương trình tốn kém nhất lịch sử của Lầu Năm Góc trị giá 392 tỷ USD này, nhưng những người hoài nghi thì cho rằng loại máy bay này vẫn đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh, với các hệ thống phần mềm cần thiết để tích hợp vũ khí trên máy bay.

Anh, nước đóng góp 2 tỷ USD vào việc phát triển loại máy bay chiến đấu tàng hình này và có kế hoạch mua 138 chiếc trong những năm tới, đã yêu cầu Mỹ triển khai máy bay tham gia triển lãm để cho thấy máy bay ngày càng hoàn thiện.

Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời, nhưng tới nay dự án đã bị chậm 7 năm so với kế hoạch do chi phí quá lớn. Ước tính, chi phí phụ trội để sản xuất F-35 đã tăng hơn hai lần so với dự toán ban đầu.

Phiên bản F-35C


Báo cáo ngày 21-8-2013 của Phòng kiểm toán chính phủ cho thấy, chi phí đầu tư cho sản xuất F-35 đã lên tới gần 400 tỷ USD và mỗi năm sẽ còn "đội" thêm khoảng 12,7 tỷ USD nữa. Trong khi đó, vẫn còn nhiều nghi ngờ về độ hoàn thiện của nó, khi siêu tiêm kích này đã từng phát sinh hàng loạt sự cố.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, họ hy vọng chi phí của mỗi chiếc máy bay sẽ giảm xuống dưới 90 triệu USD vào năm 2018 hoặc 2019 từ 112 triệu USD hiện nay, và đang phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng để giảm chi phí hơn nữa.

Quân đội Mỹ có kế hoạch đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 các loại với tổng kinh phí khoảng 167 tỷ USD để trang bị cho không quân, hải quân đánh bộ và hải quân. Việc chuyển giao các máy bay này cho quân đội Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2037.