Siêu thị ở Anh hạn chế lượng bán để ngăn tình trạng tích trữ dầu ăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dữ liệu mới nhất cho thấy, người tiêu dùng Anh đã tích trữ dầu ăn vì lo ngại tình trạng thiếu dầu hướng dương do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Các siêu thị cũng bán nhỏ giọt, vậy liệu có phải mặt hàng này đang khan hiếm và tình trạng này có thể kéo dài trong bao lâu?
Siêu thị Tesco ở Ashford, Surrey quy định mỗi người chỉ được mua 3 chai dầu ăn

Siêu thị Tesco ở Ashford, Surrey quy định mỗi người chỉ được mua 3 chai dầu ăn

Mới đây, một số chuỗi siêu thị như Tesco, Morrisons và Waitrose ở Anh đã hạn chế số lượng chai dầu ăn mà khách hàng có thể mua để đảm bảo phân phối đồng đều. Biện pháp này từng được áp dụng trong thời kỳ đại dịch đối với các mặt hàng phổ biến như bột mì, trứng và giấy vệ sinh. Theo giới phân tích, lý do dẫn đến quy định về giới hạn số lượng này là trong 4 tuần tính đến ngày 17-4 (trước khi các hạn chế được áp dụng), doanh số bán ra của tất cả các loại dầu ăn đã tăng 17% do tâm lý tích trữ của người tiêu dùng. Điều này được thúc đẩy bởi giá cả và nhu cầu về dầu ăn tăng cao. Trong đó, nhu cầu về dầu hướng dương và dầu thực vật là lớn nhất, lần lượt tăng 27% và 40%.

Ukraine và Nga là 2 nhà sản xuất chiếm khoảng 60% sản lượng dầu hướng dương trên thế giới, vì vậy việc xuất khẩu bị gián đoạn do xung đột đã dẫn đến một cú sốc về nguồn cung. Theo ước tính, hàng triệu tấn dầu hướng dương dự định xuất khẩu đang bị mắc kẹt ở Ukraine, gây ra cuộc tranh giành nguồn cung cấp dầu thực vật thay thế. Tình hình rất nghiêm trọng ở Anh vì hầu hết dầu hướng dương của nước này đến từ Ukraine. Trước cuộc khủng hoảng, dầu hướng dương chiếm khoảng 1/5 thị trường dầu ăn tính theo giá trị trong các siêu thị ở Anh và 44% theo khối lượng, theo Công ty dữ liệu NielsenIQ.

Việc đổ xô vào các loại dầu thực vật thay thế cũng đẩy giá cả trên thị trường toàn cầu lên cao, mà nguồn cung vốn đã bị ảnh hưởng do liên quan đến đại dịch Covid-19 cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu. Vào năm 2021, nông dân ở Canada, nước xuất khẩu hạt cải dầu lớn nhất, đã có một vụ mùa thảm hại sau khi nhiệt độ tăng vọt lên gần 50 độ C. Giá dầu đậu nành cũng ở mức cao trong bối cảnh dự báo thu hoạch giảm sút từ những người trồng ở Brazil, Argentina và Paraguay sau đợt hạn hán nghiêm trọng. Các nước Nam Mỹ chiếm hơn 50% nguồn cung thế giới.

Cũng từ ngày 27-4, Indonesia - quốc gia có kim ngạch chiếm 1/3 tổng lượng dầu thực vật xuất khẩu đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu cọ. Điều này có khả năng dẫn đến thắt chặt nguồn nguyên liệu dầu cọ ứng dụng cho nhiều mặt hàng từ bánh ngọt và đồ chiên rán đến mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy rửa… “Quyết định của Indonesia không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ mà còn ảnh hưởng đến thị trường dầu thực vật trên toàn thế giới”, James Fry, Chủ tịch Công ty tư vấn hàng hóa LMC International cho biết.

Ngành công nghiệp thực phẩm đang đối phó như thế nào? Việc thiếu hụt dầu hướng dương không chỉ là vấn đề của các nhà bán lẻ. Đây là thành phần để làm hàng trăm loại thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy, mayonnaise. Nhiều công ty thực phẩm đã buộc phải thay đổi công thức chế biến tạm thời. Để ngăn chặn các dây chuyền sản xuất thực phẩm ngừng hoạt động, Chính phủ Anh đã cho phép các nhà sản xuất chuyển sang dầu hạt cải với điều kiện họ phải cập nhật nhãn hàng càng sớm càng tốt.

Ông Gary Lewis, nhà nhập khẩu dầu KTC Edibles cho biết, tình hình khó có khả năng hồi phục cho đến ít nhất là vào cuối mùa hè, khi vụ mùa dầu hạt cải thu hoạch xong. “Có thể sẽ có thêm một số nguồn cung dầu hướng dương của EU và Argentina trên thị trường trong vài tháng tới, nhưng sẽ vẫn còn hạn chế”, ông Gary Lewis nói.

Bình thường, người mua hàng cứ sau 8-10 tuần mới phải mua tiếp dầu ăn, vì vậy nhu cầu có thể bắt đầu chậm lại trong những tuần tới, các kệ hàng cũng bớt áp lực hơn. Dự đoán, người tiêu dùng Anh đang phải trả thêm 20% cho một lít dầu thực vật và thêm 16% cho dầu hướng dương trong năm 2022 này.