Siêu thị mở cửa đến gần Giao thừa

ANTĐ - Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ mở cửa đến ngày 29 Tết (tức 30 Tết do tháng thiếu). Thời gian mở cửa sẽ linh hoạt, căn cứ vào tình hình thị trường nên người dân không lo “chậm chân” sẽ thiếu hàng, sốt giá.  

Siêu thị mở cửa đến gần Giao thừa ảnh 1Các siêu thị đã sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết

Không lo thiếu hàng, sốt giá

Theo kế hoạch kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), từ trước Tết Nguyên đán 2 tuần, các điểm kinh doanh của Tổng Công ty đã tăng thêm giờ bán hàng, phục vụ đến 21h30 hàng ngày. Riêng ngày 27 và 28 Tết, Hapro mở cửa đến 22h. “Căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 29 Tết, các địa điểm bán hàng sẽ kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân” - đại diện Hapro nói.

Ngoài ra, với lợi thế có địa điểm kinh doanh trải rộng trên toàn thành phố, Hapro sẽ mở cửa hệ thống cửa hàng dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ người dân Thủ đô trong đêm Giao thừa. Trong 3 ngày đầu tiên của năm mới, đơn vị này đảm bảo ít nhất 10 điểm mở bán hàng. Đại diện Hapro cho biết thêm: “Tùy tình hình thực tế, chúng tôi có thể mở thêm các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu và vui chơi giải trí của nhân dân. Từ mùng 4 Tết, tất cả các cửa hàng của Hapro sẽ mở cửa hoạt động bình thường”. 

Tương tự, theo đại diện truyền thông hệ thống siêu thị BigC, siêu thị này sẽ mở cửa đến 12h trưa 29 Tết. Sau đó, từ mùng 3 Tết, siêu thị sẽ mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng. “Trong 2 ngày 27 và 28 Tết, chúng tôi sẽ mở cửa đến 12h đêm. Công nhân hay những người được nghỉ Tết muộn vẫn có thời gian mua sắm hàng hóa thiết yếu cho gia đình”. 

Bà Trần Thị Huyền - đại diện siêu thị Co.opmart cũng cho hay, thời gian đóng cửa siêu thị để nghỉ Tết là sau 12h trưa 29 Tết. Đến mùng 4 Tết, siêu thị sẽ mở cửa trở lại. Trong 2 ngày bán hàng đầu tiên của năm mới Bính Thân, siêu thị mở cửa đến 2h chiều. Từ mùng 6 Âm lịch, Co.opmart hoạt động bình thường. 

Thông thường, nhu cầu mua sắm Tết của người dân bắt đầu tăng cao từ ngày 10 tháng Chạp với các mặt hàng như: bánh kẹo, chè, thuốc, thực phẩm chế biến sẵn… Đến cận Tết, nhu cầu mua sắm các mặt hàng này giảm dần, thay vào đó là nhu cầu về hàng tươi sống và hoa quả. Nắm được quy luật này nên các siêu thị đã chủ động nguồn hàng để người dân mua sắm, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. 

Hàng Tết về ngoại thành

Theo đại diện Hapro, để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết của người dân, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy khi mua bán, ngoài 70 điểm bán hàng cố định của các đơn vị trực thuộc, Hapro còn tổ chức các quầy hàng Tết ngoài trời. Từ ngày 22 đến 26 tháng Chạp, Hapro tổ chức “Chợ Tết” với quy mô từ 1.000 - 2.000m2, kéo dài trong 5 ngày, bày bán chủ yếu là hàng hóa thiết yếu và sản phẩm đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Tại Hội chợ Xuân diễn ra tại triển lãm Giảng Võ, từ 20 đến 28 Tết, Hapro có 10 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm. Với số lượng gian hàng và thời gian mở cửa như trên, người dân Hà Nội có thể yên tâm sắm Tết, không chỉ trước mà ngay cả trong và sau Tết.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố có 1.165 điểm bán hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ nhân dân trong dịp cao điểm mua sắm này, trong đó có 207 điểm tại các huyện ngoại thành. Sở Công Thương cũng phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức hình thức bán hàng lưu động. Theo đó, công nhân và người dân tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, cụm công nghiệp Minh Khai, sẽ được mua hàng từ các chuyến hàng lưu động.

Các doanh nghiệp còn tổ chức 30 phiên chợ Việt tại 15 huyện của thành phố. Nhờ vậy, người dân ngoại thành và các xã miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất… có thể mua các mặt hàng bình ổn giá, hàng thiết yếu ngay tại địa phương và có nơi tham quan, mua sắm trong dịp Tết thuận tiện, an toàn.