Siêu dự án tỷ USD chạy dọc sông Hồng: Cẩn trọng để không phải trả giá

ANTĐ - “Siêu dự án” giao thông - thủy điện trị giá hơn 1 tỷ USD chạy dọc 288km sông Hồng với 7 cảng, 6 đập dâng nước và 6 nhà máy thủy điện được cho là sẽ tác động tích cực tới kinh tế - xã hội của các tỉnh mà nó chạy qua.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm lúc này không phải dự án mang lại bao nhiêu tiền mà là môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu sông Hồng sẽ ra sao nếu dòng sông bị “cắt thành 7 khúc”? Hàng chục triệu người dân ở đồng bằng sông Hồng, từ hàng nghìn năm nay sinh sống nhờ dòng sông mẹ liệu có bị ảnh hưởng gì hay không?

Tầm ảnh hưởng của dự án lớn đến thế nhưng khi được hỏi, nhiều bộ, ngành chỉ góp ý khá sơ sài với vài gạch đầu dòng ngắn gọn, qua loa theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Đa số ý kiến gói gọn trong một mặt giấy A4, với những quan điểm chung chung hoặc đơn giản là “thống nhất với đề xuất về dự án”. Các địa phương có dự án đi qua như Yên Bái, Lào Cai cũng nhanh chóng gật đầu mà chẳng buồn đặt ra yêu cầu hay điều kiện gì cụ thể.

Vấn đề môi trường đáng ra phải được quan tâm nhất nhưng lại có rất ít ý kiến tham góp. Thật bất ngờ, cơ quan đưa ra cảnh báo về tác động của dự án đối với môi trường sinh thái lại là Bộ Tài chính.

Tỏ ra thận trọng, Bộ Tài chính nhắc nhở các cơ quan đồng cấp: “Đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng tác động của dự án đến môi trường sinh thái các vùng ảnh hưởng của dự án…”. Trong khi đó, “gác cửa” cho Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường về nội dung này chỉ là một gạch đầu dòng: “Bổ sung, làm rõ các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên…”.

Tất nhiên, chả có nhà đầu tư nào dại gì tự “bôi mỡ cho kiến đốt”. Thế nên, giải trình về nội dung này, nhà đầu tư cũng không thể ngắn gọn hơn: “Đánh giá sơ bộ cho thấy, tác động tiêu cực tới môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu”.

Bài toán kinh tế - môi trường chưa bao giờ dễ giải. Hàng trăm thủy điện nhỏ ở miền Trung tuy đem lại hiệu quả kinh tế nhất định nhưng cũng gây ra những hậu quả tiêu cực đối với môi trường sinh thái và đời sống người dân ở hạ du. Những con đập khổng lồ của Trung Quốc “hút” cạn nước sông Mê Kông khiến các nước ở hạ du, trong đó có Việt Nam khốn khổ hay mới đây nhất là câu chuyện “chọn cá, tôm hay nhà máy thép” ở Vũng Áng, Hà Tĩnh là những bài học nhãn tiền. 

Quan điểm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” dù đã được nói nhiều nhưng để thực hiện nghiêm lại không đơn giản. “Chạy đua” theo tăng trưởng từ lâu đã thành “căn bệnh” khó chữa ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, ở “siêu dự án” tỷ USD trên sông Hồng, với trách nhiệm của mình, các bộ, ngành cần làm đúng như ý kiến của Bộ Tài chính đã đưa ra: “Phải nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng!”. Hãy quyết liệt ngay hôm nay để không phải trả giá vào ngày mai!