Siết việc ra đường không cần thiết, khóa chặt “vùng đỏ”, nhân rộng “vùng xanh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc siết kiểm soát các trường hợp ra đường không cần thiết là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Khóa chặt “vùng đỏ” để bóc tách các ca bệnh F0, nhân lên ngày càng nhiều “vùng xanh” an toàn không có dịch để phấn đấu kiểm soát dịch bệnh sớm nhất có thể.
Mong người dân đồng tình ủng hộ thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội để phòng, chống dịch Covid-19 chỉ ra đường khi thực sự cần thiết

Mong người dân đồng tình ủng hộ thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội để phòng, chống dịch Covid-19 chỉ ra đường khi thực sự cần thiết

Cần thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách xã hội

UBND TP Hà Nội ngày 6-8 vừa qua đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục giãn cách toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống Covid-19. Theo công điện, trong 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của Chủ tịch UBND thành phố, với sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, tham gia các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trên địa bàn; bước đầu thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao (từ khoảng 60-80 mắc mới mỗi ngày) và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.

Cùng với đó, một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn khi chủng virus Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao, nhanh và nguy hiểm.

Vì thế, để thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Công điện 1068 ngày 5-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận số 31 ngày 3-8-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Thông báo số 448 ngày 6-8-2021 của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23-8-2021 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố; triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.

Có thể nói, trong khi tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội, tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường thì quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần là cần thiết và đúng đắn nhằm kiểm soát, dập đợt dịch thứ tư hiện nay. Không chỉ thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh và thành phố khác ở nước ta, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới và khu vực cũng xem thực hiện giãn cách xã hội là biện pháp đúng đắn và hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 với những biến chủng mới nguy hiểm như Delta, Delta+, Alpha, Beta, Gamma…

Tại Australia, thành phố Melbourne lớn thứ 2 của nước này với 5 triệu dân đã tiếp tục thực hiện lệnh giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 thêm ít nhất 1 tuần kể từ ngày 11-8. Quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa tại Melbourne được đưa ra sau khi thành phố ghi nhận thêm 20 ca mắc mới chỉ trong một đêm, trong đó có một số ca chưa rõ nguồn lây. Ở Hàn Quốc, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng Thủ đô Seoul đến ngày 22-8 tới sau khi ghi nhận thêm 356 ca mắc Covid-19 mới.

Mong người dân đồng lòng, ủng hộ

Việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội thêm 2 tuần vì thế là rất thiết để “bóc tách” các ca F0 khỏi cộng đồng, “chặt đứt” các chuỗi lây lan của dịch Covid-19. Đây chính là một biện pháp rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai) phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25-8-2021.

Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ phải kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25-8 tới, thành phố Hà Nội cần siết chặt kiểm soát các trường hợp ra đường không cần thiết, cương quyết xử lý nghiêm mọi vi phạm, từ người vi phạm tới cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chỉ có như vậy mới có thể khóa chặt “vùng đỏ”, thu hẹp dần vùng dịch bệnh nguy cơ rất cao này thành “vùng cam”, “vùng vàng” - vùng nguy cơ cao và tiến tới “xanh hóa” các vùng này để kiểm soát dịch trên địa bàn toàn thành phố.

Đi đôi với việc siết chặt đi lại, ra đường không cần thiết, nhằm chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, UBND thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đảm bảo an toàn ở mức tối đa, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm theo truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Thành phố huy động mọi nguồn lực để triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn nhằm xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình. Theo đó, mở đợt cao điểm xét nghiệm trong tháng 8-2021, trong đó, từ 9-8 đến 15 hoặc 17-8 tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2 triệu mẫu test nhanh.

Thành phố đã và đang thực hiện những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đúng đắn và hiệu quả nhằm mục tiêu sớm nhất có thể kiểm soát đợt dịch thứ tư, đưa mọi mặt cuộc sống của người dân Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc này”, quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của thành phố thôi có lẽ chưa đủ mà rất cần sự ủng hộ, chúng sức đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô mà thiết thực nhất là thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết theo như quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.