Siết chặt việc quản lý, sử dụng vũ khí để tránh lạm dụng

ANTD.VN -Nhằm quản lý chặt việc sử dụng vũ khí, tránh tình trạng lạm dụng vũ khí để đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người khác, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trình ra xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ngày 16-9 quy định tới 20 điều cấm.

Dự thảo Luật này được Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo – xây dựng trên nguyên tắc quan trọng hàng đầu là việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải đảm bảo đúng mục đích, quy định, hạn chế tối đa thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định đến 20 hành vi bị nghiêm cấm.

Siết chặt việc quản lý, sử dụng vũ khí để tránh lạm dụng ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày tờ trình về dự thảo luật tại phiên họp

Cụ thể, luật nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu, tàng trữ, mua bán, vũ khí, vật liệu nổ; nghiêm cấm cho, tặng, gửi, mượn, chuyển nhượng, thế chấp vũ khí; đặc biệt nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cho rằng việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ quan điểm “chưa yên tâm” với quy định về các đối tượng được cấp vũ khí và trường hợp được nổ súng trong dự luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh đây là những nội dung tối quan trọng, bởi nếu không quy định chặt chẽ sẽ gây ra hậu quả khó lường, đặc biệt khi luật này có thể tác động trực tiếp đến quyền sống, tính mạng, sức khỏe của con người.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, dù luật liệt kê ra đến 20 hành vi cấm song nhiều quy định cấm trong luật vẫn chung chung, chưa rõ. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng quy định trong luật cũng chưa đầy đủ.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phân tích, trong số các hành vi bị nghiêm cấm nếu nhìn kỹ vẫn thấy có một số kẽ hở có thể lợi dụng được. “Chẳng hạn quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng lại trừ trường hợp là vũ khí thô sơ được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, đây có thể là kẽ hở và rất khó kiểm soát” – ông Chiến dẫn chứng.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần rà soát lại quy định về các hành vi cấm trong dự luật này.