Siết chặt thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

ANTD.VN - Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh lý do tăng chi phí khám chữa bệnh do tăng giá viện phí còn có nguyên nhân từ tình trạng trục lợi BHYT.

63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều bất thường trong khám, chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện, cơ sở y tế tại nhiều địa phương. Dù các cơ quan bảo hiểm xã hội đã quyết liệt xử lý và từ chối thanh toán đối với những chi phí bất hợp lý nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Cập nhật số liệu mới nhất về việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt mức cho phép. Trong đó, chín tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt khoảng 30 % như Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long. 

Tại Hà Nội, mới đây, trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Y tế về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh và công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHYT của các cơ sở y tế công lập, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, chín tháng đầu năm, bội chi quỹ BHYT trên địa bàn đã lên đến khoảng 600 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra, một phần do tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có nhiều giá bất hợp lý. Ngoài ra, do thông tuyến khám chữa bệnh và chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chỉ định vào điều trị nội trú không hợp lý.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đã phát hiện một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau nhưng giá khác nhau và chênh lệch nhiều, trong đó các bệnh viện thường lựa chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán.

Bên cạnh đó, cơ cấu giá tính BHYT cho một ngày giường bệnh có cả phòng vệ sinh riêng, có điều hòa bật 24/24 giờ, có chế độ chăm sóc bệnh nhân, tuy nhiên, thực tế đi kiểm tra, bệnh viện không bật điều hòa, cơ sở vật chất và nhân lực không đáp ứng. Đặc biệt là tình trạng bệnh nhân đông y và liên chuyên khoa chỉ nằm viện ban ngày, các khoa khác vắng nhiều, thậm chí ở cả khoa hồi sức tích cực nhưng vẫn chi trả điều trị nội trú…

Nêu giải pháp quản lý quỹ BHYT hiệu quả bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải thanh toán đúng đối tượng hưởng, đúng mục đích sử dụng, vừa bảo đảm cân bằng quỹ mà vẫn phải bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.

Để việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng các quy định hiện hành, các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc gửi dữ liệu lên hệ thống, tổ chức khám chữa bệnh và có kế hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý trong phạm vi dự toán năm 2018 đã được UBND TP Hà Nội giao.

Cơ sở khám chữa bệnh chỉ đề nghị thanh toán các chi phí trong quy định, không đề nghị thanh toán các chi phí ngoài quy định tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, trong quá trình giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh cho nhân dân và công tác quản lý sử dụng quỹ BHYT, đoàn giám sát đã tiếp nhận hơn 60 kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị.

Để việc quản lý, sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT đạt hiệu quả, ông Trần Thế Cương đề nghị, trong thời gian tới Bảo hiểm xã hội thành phố và Sở Y tế cần phối hợp với nhau trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi người bệnh; giải quyết các vướng mắc trong thanh, quyết toán của các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, cần đề xuất với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thực hiện việc tính đủ cơ cấu giá khám, chữa bệnh và bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...