Siết chặt sử dụng vốn ODA

ANTĐ - Nghi án Công ty tư vấn giám sát giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 16 tỷ đồng cho quan chức Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt ra vấn đề về trách nhiệm và yêu cầu phải đánh giá lại để tìm ra những lĩnh vực dễ dẫn tới tham nhũng trong ODA. Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản nêu quan điểm, đã đến lúc hai bên cần có biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn nhằm ngăn ngừa hối lộ, tham nhũng, cạnh tranh không bình đẳng trong triển khai các dự án ODA.

Hiện nay, đoàn công tác Bộ GTVT sang làm việc với các cơ quan Nhật Bản, vẫn chưa xác minh được Công ty JTC đã “lót tay” 16 tỷ đồng cho lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam. Trong 20 năm qua, các khoản ODA mà Việt Nam đã ký kết, bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, một nguồn tài chính đáng kể để thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội dễ biến thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng Chính phủ, quy trình quyết định dự án ODA hiện nay quá dài, qua quá nhiều cơ quan là điều kiện thuận lợi nảy sinh tiêu cực, trong khi không rõ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Mười năm trước, theo phản ảnh của các đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trên 20 đại biểu đã được Tổng công ty Đường sắt mời đi nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản tham quan đường sắt cao tốc. Một đại biểu Quốc hội nhận xét, thật may là trong tình hình kinh tế như hiện nay làm sao có thể thực hiện được dự án 56 tỷ USD đó. Vì vậy, Quốc hội cần nghiên cứu sâu hơn nữa về nguồn vốn ODA, vì đây không phải là tiền cho không. Sớm muộn gì nước ta cũng phải trả nợ, nếu vay nhiều mà thất thoát nhiều, tham nhũng nhiều thì sẽ để lại một gánh nợ lớn cho con cháu.

Cam kết nhận trách nhiệm trong việc quản lý vốn ODA đã được Chính phủ thể chế hóa bằng 5 Nghị định của Chính phủ ban hành trong 20 năm qua. Bình quân khoảng 4 năm một lần, các Nghị định về quản lý và sử dụng ODA lại được hoàn thiện, đổi mới. Về tổ chức quản lý và điều phối, ở Trung ương, nghị định giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư đảm trách vai trò cơ quan đầu mối về quản lý và điều phối ODA của Chính phủ. Phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư còn có Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ. Để áp dụng Nghị định của Chính phủ và thông tư của một số bộ quản lý nhà nước về ODA trong những điều kiện cụ thể, một số bộ, ngành và địa phương cũng ban hành các quy chế quản lý và sử dụng ODA.

Có thể nhận thấy, việc quản lý ODA rất phức tạp, ngoài nghị định chuyên trách về quản lý và sử dụng ODA, việc sử dụng nguồn vốn này còn chịu sự chi phối của các văn bản pháp quy cũng như quy định và thủ tục như đấu thầu, giải phóng mặt bằng, quản lý tài chính. Điều cốt tử là nguồn vốn ODA phải được sử dụng có hiệu quả, nếu không người dân sẽ chịu gánh nặng ODA phải trả.