Siết chặt quản lý xe công, khoán theo chức danh

ANTĐ - Cùng với việc siết chặt quy định tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công, chủ trương khoán xe công đối với một số chức danh được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm khoản chi lớn cho ngân sách. 
Siết chặt quản lý xe công, khoán theo chức danh ảnh 1

Không đủ tiêu chuẩn vẫn sắm xe công

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cả nước hiện có gần 40.000 xe ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp. Theo tính toán, chi phí sử dụng 1 xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để “nuôi” xe công có thể lên tới 12.800 tỷ đồng. Mức chi như vậy trong cảnh ngân sách còn khó khăn là chưa phù hợp.

Đại diện Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, hoạt động mua sắm xe công hiện vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Ví dụ, quy định về thời gian, số km sử dụng chưa phù hợp với thực tế. Cùng với đó, việc sử dụng xe ô tô công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ 21-9-2015, với các quy định cụ thể về việc thay thế ô tô công, định mức, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, xử lý vi phạm trong mua sắm xe công…

Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có 1 đến 2 chiếc xe phục vụ công tác chung. Theo tính toán, hiện có 24.460 xe đang được phục vụ công tác này và con số này có thể sẽ giảm 7.000 chiếc nếu áp dụng quy định mới.

Đại diện Bộ Tài chính tính toán: “Như vậy, mỗi năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế”. Với số xe dư thừa, có thể điều chuyển sang nơi thiếu, còn dư ra sẽ bán đấu giá. Toàn bộ tiền bán đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Cũng theo quy định mới, việc mua sắm ô tô công sẽ được triển khai theo phương thức tập trung. Nếu thực hiện được cách này, số tiền tiết kiệm được có thể lên tới 15% tổng giá trị mua sắm. 

Chuyển sang cơ chế thuê, khoán

Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg cũng quy định rõ, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. 

Trường hợp các chức danh nói trên tự nguyện đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, mức khoán kinh phí được xác định theo từng tháng. Cơ sở để tính toán kinh phí khoán sẽ dựa trên khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc, đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường), số ngày làm việc theo quy định và số lượt đưa đón. 

Cũng theo quy định mới, các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến 1,25 chỉ được bố trí xe đi công tác mà không được đưa đón. Điều này có nghĩa, các giám đốc sở và tương đương sẽ không có xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Bộ Tài chính nhận định, quy định nói trên là một bước thay đổi lớn, tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê, khoán được nhiều nước áp dụng.

Theo các chuyên gia, việc khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ giúp tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, thực tế, việc khoán kinh phí đã được thí điểm từ gần 10 năm nay, nhưng con số nhận khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu một cán bộ lãnh đạo nhận khoán xe công mỗi tháng 4,5 triệu đồng, mỗi năm, ngân sách chỉ phải chi 54 triệu đồng cho vị này đi lại. So với chi phí sử dụng trung bình của một xe công là khoảng 320 triệu đồng/năm thì tổng số tiền tiết kiệm được là rất lớn.