Siết chặt khám chữa bệnh vượt tuyến

ANTĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đề xuất giảm mức thanh toán, thậm chí không thanh toán BHYT cho các bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến, là “đánh thẳng vào túi tiền” người bệnh. Tuy nhiên, đại diện cơ quan BHYT khẳng định việc điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm đối tượng có nhu cầu thực sự và thu nhập cao.

- PV: Vì sao Luật BHYT đã quyết định thanh toán BHYT cho các đối tượng khám chữa bệnh trái tuyến, nhưng sau 3 năm triển khai đã đòi giảm mức thanh toán, thậm chí không thanh toán nữa?

- Ông Phạm Lương Sơn: Trước đây khi xây dựng Luật BHYT, Ban soạn thảo Luật đề ra hình thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân trái tuyến vì muốn đảm bảo công bằng quyền lợi cho một số nhóm đối tượng, gồm: công nhân viên chức, học sinh, sinh viên phải học tập, làm việc theo giờ hành chính nên không có thời gian đi khám chữa bệnh đúng tuyến; nhóm thứ 2 là những đối tượng có thu nhập cao, cần dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn và sẵn sàng bỏ tiền cùng chi trả với quỹ BHYT. 

Nhưng trong 3 năm triển khai Luật BHYT vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau nên tình hình lại diễn biến khác. Chẳng hạn, với cùng một loại bệnh cụ thể, ở BV tuyến huyện tổng chi phí điều trị có thể chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng cũng vẫn bệnh ấy nếu điều trị ở tuyến trung ương có thể được bác sĩ chỉ định điều trị với chi phí lên tới 2 triệu đồng. Khi đó, mức 30% chi phí mà họ được BHYT thanh toán cho trường hợp vượt tuyến còn lớn hơn cả tổng chi phí nếu điều trị ở tuyến dưới…

Vì người khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được BHYT chi trả với mức thanh toán khá cao, lần lượt là 30%-50%-70% tùy theo hạng BV (BV hạng 1, hạng 2, hạng 3), khiến người bệnh không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính chi trả khi vượt tuyến, đó cũng là một trong những lý do khiến số bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến tiếp tục gia tăng.

Bệnh nhân vượt tuyến sẽ bị giảm mức thanh toán BHYT

- Người tham gia BHYT nếu không được thanh toán hoặc thanh toán theo mức quá thấp như mức Bộ Y tế đang đề xuất thì khó tránh khỏi bức xúc?  

- Hiện tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đề xuất 2 phương án điều chỉnh. Thứ nhất là quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ phần trăm cả với trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú không đúng tuyến. Trong đó, nếu điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 20%, 40% và 60% tùy theo xếp hạng BV. Nếu khám ngoại trú họ sẽ được chi trả ở các mức 10, 20 và 30% chi phí tùy theo xếp hạng BV. Phương án thứ 2 là quỹ BHYT chỉ thanh toán theo tỷ lệ phần trăm đối với trường hợp điều trị nội trú, còn ngoại trú không được BHYT thanh toán. 

Đa số chuyên gia đều cho rằng nên duy trì hình thức thanh toán BHYT cho người khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến chứ không nên bỏ. Quan điểm của BHXH Việt Nam cũng thiên về phương án này, tuy nhiên không nên đưa ra quá nhiều mức thanh toán khác nhau, phân biệt tỷ lệ thanh toán giữa người điều trị nội trú và ngoại trú.  

- Vừa “đòi” tăng phí đóng BHYT, vừa “đòi” giảm chi trả cho người bệnh, liệu lộ trình tiến tới BHYT toàn dân có bị ảnh hưởng, thưa ông?

-  Trước hết cần khẳng định, việc điều chỉnh này cơ bản chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm đối tượng thực sự có nhu cầu khám chữa bệnh trái tuyến như đã phân tích là nhóm công nhân viên chức và nhóm có thu nhập cao muốn hưởng dịch vụ tốt, còn lại không ảnh hưởng đến đa số người tham gia BHYT trên cả nước. Do đó, việc điều chỉnh cũng không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện lộ trình BHYT toàn dân mà thậm chí còn hướng tới đảm bảo công bằng xã hội hơn. 

Tất nhiên người bệnh nào cũng muốn quyền lợi của mình được hưởng nhiều hơn chứ không muốn giảm đi, song điều căn bản nhất là các điều chỉnh phải đảm bảo không đưa Quỹ BHYT trở lại hình thức bao cấp như trước đây. Có nghĩa quyền lợi người tham gia BHYT phải được đảm bảo trên cơ sở công bằng, hiệu quả, hưởng trên khung quyền lợi theo quy định chứ không phải cứ tham gia BHYT sẽ được hưởng mọi quyền lợi tối đa. 

- PV: Cảm ơn ông!

Giảm tải bệnh viện tuyến trên

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh mức thanh toán BHYT cho bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến của Bộ Y tế, TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nếu áp dụng hình thức này thì chắc chắn sẽ góp phần giảm quá tải cho BV tuyến trên. Chẳng hạn hiện nay nhiều khu vực có nhà hộ sinh, BV, nếu đi khám chữa đúng tuyến người bệnh được hưởng BHYT 100% nhưng vẫn có rất nhiều người vượt tuyến lên trung ương điều trị, bởi ở đây họ vẫn được hưởng 30%. Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức phân tích: “BV Việt Đức thì không có quá tải, nằm ghép nhưng Bộ Y tế đề xuất như vậy thì chắc phải có cơ sở, luận điểm đúng”. Còn ông Phạm Lương Sơn cho rằng, để hạn chế được bệnh nhân vượt tuyến thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là tăng đầu tư và củng cố niềm tin của người bệnh vào hệ thống y tế tuyến dưới, bởi cực chẳng đã họ mới phải vượt tuyến.

Tin cùng chuyên mục