Siết chặt đào tạo, sát hạch lái xe

ANTĐ - Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) thời gian qua là khá lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng lái xe sau khi được đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Để siết chặt hoạt động này, Bộ GTVT đã thông qua Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX góp phần  giảm thiểu TNGT.

Chất lượng các bài thi lý thuyết và thực hành khi sát hạch lái xe sẽ được nâng cao


Tồn tại nhiều lỗ hổng

Bộ GTVT cho biết, hiện nay, theo quy định, quản lý đào tạo lái xe do hai ngành LĐ-TB&XH quản lý theo các quy định của Luật Dạy nghề và ngành giao thông đường bộ quản lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Dạy nghề, các Sở GTVT và các Sở LĐ-TB&XH ở các tỉnh, thành đã có sự phối hợp trong việc kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo; yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố kế hoạch đào tạo và học phí; kiểm tra giám sát các cơ sở đào tạo về thực hiện các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên nên vẫn còn một số tồn tại như: Thực hiện nội dung chương trình đào tạo chưa nghiêm; một số cơ sở đào tạo quản lý chưa chặt chẽ để giáo viên thu thêm tiền của học viên không đúng quy định; chất lượng công tác kiểm tra hết môn và cấp chứng chỉ nghề ở một số nơi còn thấp.

Năm 2010, tổ chức kiểm tra, thanh tra tại 22 địa phương, đã xử lý: Dừng tuyển sinh 4 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, hạ lưu lượng đào tạo 2 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và thu hồi 14 Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Năm 2011, tổ chức kiểm tra, thanh tra tại 30 địa phương, đã dừng tuyển sinh 7 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 cơ sở đào tạo lái xe mô tô; thu hồi 1 giấy phép đào tạo lái xe ô tô và 1 giấy phép đào tạo lái xe mô tô; hạ lưu lượng đào tạo 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Bộ GTVT nhận định, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất được duy trì đã góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Song công tác thanh tra, kiểm tra mới thực hiện kiểm tra theo hồ sơ lưu trữ; nhiệm vụ của cán bộ thanh tra giao thông làm công tác giám sát các kỳ sát hạch chưa cụ thể, chưa quy định trách nhiệm của cán bộ giám sát.

Sẽ quy trách nhiệm cụ thể 

Đề án nâng cao chất lượng đào tạo GPLX nhấn mạnh kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, thi tốt nghiệp, sát hạch và cấp GPLX ở tất cả các cấp Trung ương, địa phương. Trong đó chú trọng hình thức thanh, kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm không chỉ tập thể, cá nhân thuộc cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm mà còn quy trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể và cá nhân làm công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe tại địa phương. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi giấy phép đào tạo lái xe theo quy định.

Hàng năm, Bộ GTVT tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong cả nước; tập trung vào các thành phố lớn, có nhiều cơ sở đào tạo lái xe; các địa phương có tỷ lệ tai nạn giao thông cao. Ngoài ra, chất lượng bài thi lý thuyết và thực hành cũng sẽ được nâng cao hơn. Bộ câu hỏi mới dùng để sát hạch lái xe cơ giới đường bộ sẽ tăng số lượng từ 405 lên 450 câu, nội dung phù hợp các quy định hiện hành; bổ sung các nội dung liên quan đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường, khuyến khích người học tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, hạn chế tình trạng học tủ, học vẹt.

“Nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là hết sức cần thiết nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, đây là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp và mang tính xã hội hoá cao. Công việc này cần phải làm thường xuyên, liên tục, các giải pháp nêu trên phải được triển khai đồng bộ, có sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức năng và sự đồng tình hưởng ứng của các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe và của người học.

Tin cùng chuyên mục