Siết chặt bồi hoàn phí đào tạo

ANTĐ - Nhiều điểm mới về đối tượng miễn giảm học phí, trong đó có việc mở rộng cho các ngành nghề khó tuyển và hỗ trợ cho khối ngoài công lập đang được Bộ GD-ĐT xây dựng. Đồng thời với đó, yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo với người được hưởng học bổng nhà nước cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn.

Nhiều thuận lợi hơn cho nhà trường và người học với chính sách miễn giảm học phí mới

Học ngành khó tuyển được miễn học phí

Xã hội hiện đang có không ít các ngành nghề cần thiết nhưng lại rất khan hiếm nhân lực do sinh viên không lựa chọn các ngành đào tạo này. Đây là lý do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Theo đó, các đối tượng miễn học phí được bổ sung là sinh viên học chuyên ngành Mác Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, học sinh-sinh viên học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến những đối tượng được giảm 70% học phí gồm học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đối tượng được giảm 50% học phí bao gồm cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo.

Cũng theo dự thảo này, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo số lượng người học và mức thu học phí tương ứng với các nhóm ngành nghề được quy định tại Nghị định 49 sẽ được nhà nước thực hiện cấp bù học phí. Các khoản tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí sẽ được cấp trực tiếp cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí quy định tại Nghị định số 49 tương ứng với các nhóm ngành nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học). Như vậy, thay vì người học phải đóng học phí cho trường sau đó lấy giấy xác nhận của trường về nhận lại tiền tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện như hiện nay, học sinh-sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí trực tiếp.

Quy định chặt chẽ hơn

Một trong những quy định mới nhất về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo của Chính phủ vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 25-12-2012 trong dự thảo nghị định về vấn đề này. Theo đó, những người học chương trình giáo dục CĐ, ĐH, được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước gấp 2 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo. Thời gian này đối với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ là 2,5 lần.

Người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định trên, phải bồi thường chi phí theo công thức: Chi phí bồi hoàn bằng chi phí đào tạo được cấp/thời gian làm việc theo sự điều động của nhà nước được tính bằng số tháng làm tròn) x (thời gian làm việc theo sự điều động của nhà nước được tính bằng số tháng làm tròn - thời gian đã làm việc sau khi được điều động được tính bằng số tháng làm tròn). Trường hợp người học trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp không chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước, người học phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước.

Chậm nhất trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền, việc nộp trả đầy đủ khoản tiền bồi hoàn phải được thực hiện. Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền quyết định bồi hoàn không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.