SGK Tiếng Việt lớp 1 nhiều sạn, có nên loại bỏ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước ý kiến lo ngại muốn dừng sử dụng SGK Tiếng Việt lớp 1 có quá nhiều vấn đề như sách Cánh Diều, GS Mai Ngọc Chừ thừa nhận SGK có sạn nhưng cho rằng cần "nhặt sạn" chứ không nên hủy bỏ. 

GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cho biết, những vấn đề dư luận nêu về những bất cập trong SGK mới, Hội đồng thẩm định đều đã nắm được.

GS Mai Ngọc Chừ khẳng định , tất cả những vấn đề này đều đã được Hội đồng phát hiện và có khuyến nghị khi thẩm định nhưng nhóm tác giả bảo vệ quan điểm của mình.

"Hội đồng đều đã khuyến cáo với các câu chuyện Lừa, thỏ và cọp , Hai con ngựa ... nhóm tác giả nên thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác. Tuy nhiên, quan niệm mỗi người khác nhau trong đó quan điểm của nhóm tác giả cho rằng đây là những người lừa lọc sẽ bị trả giá, giáo viên khi giảng trên lớp sẽ giúp học sinh rút ra bài học. Ở đây cách nhận thức khác nhau và nhóm tác giả giữ quan điểm của họ" - GS Mai Ngọc Chừ khẳng định.

Nhiều người phản ứng trước lối phỏng theo chuyện gốc gây sai lệch ý nghĩa tác phẩm trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều

Nhiều người phản ứng trước lối phỏng theo chuyện gốc gây sai lệch ý nghĩa tác phẩm trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều

Khi trả lời về trách nhiệm thuộc về ai khi những hạt sạn này bị phản ứng dữ dội, GS Mai Ngọc Chừ đã chia sẻ trên đài VOV1 rằng, khi dư luận phản ứng thì chủ biên và nhóm tác giả chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì Hội đồng thẩm định đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả giữ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, không đồng ý với quan điểm này, TS Lê Thống Nhất dẫn chứng, điều 32 Luật Giáo dục mới quy định toàn bộ nội dung và chất lượng SGK sẽ do Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm chứ không phải tác giả.

Theo TS Lê Thống Nhất, đây không phải là vấn đề phù hợp thấp hay cao mà đã là "sạn" rồi. Những thứ không phù hợp lứa tuổi điều kiện ngôn ngữ học sinh lớp 1 thì phải khẳng định là chưa đảm bảo chất lượng của SGK.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng những phản ánh về những "hạt sạn" trong SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều là hoàn đúng là không có gì bàn cãi. Nhà văn cho rằng không thể biện minh với 3 lý do.

Thứ nhất là SGK này đưa quá nhiều phỏng theo ngụ ngôn của nhà văn nước ngoài, chỉnh sửa đọc lên vừa vô cảm, không thể chuyển tải cảm xúc cho học sinh.

Thứ hai, kho tàng văn học, văn hóa trong nước nhiều lời hay, ý đẹp, sao không đưa vào?

Đọc cả bộ SGK thì những vấn đề quan trọng với tuổi thơ như sai phải xin lỗi, cách bày tỏ về mặt đạo đức thì rất ít.

Do vậy nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, SGK Cánh Diều chắc chắn phải hủy chứ không thể sửa được.

Về quan điểm của Hội đồng thẩm định, GS Mai Ngọc Chừ cho rằng khi Bộ GD-ĐT yêu cầu, Hội đồng sẽ họp nghiêm túc rà soát các vấn đề dư luận xã hội đặt ra. Lần trước là khuyến cáo thì lần này thì nhóm tác giả và NXB sẽ phải có trách nhiệm. Cùng sự điều phối của Bộ GD-ĐT, chỉnh sửa không khó.

"Chúng ta đã xác định ở đây là những "hạt sạn" thì không thể hủy bỏ mà cần chỉnh sửa. Cần nghe thêm ý kiến của các giáo viên cũng như phụ huynh học sinh lớp 1. Hội đồng sẽ báo cáo chi tiết cho Bộ GD-ĐT" - vị GS khẳng định.

Ngoài vấn đề về trách nhiệm khi để lọt những "hạt sạn" như vậy trong SGK, TS Lê Thống Nhất bày tỏ lo ngại những rủi ro trong việc xã hội hóa SGK.

"SGK năm 2000 được Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực nghiệm trên quy mô rộng sau 2 năm mới thực hiện đại trà. Khi xã hội hóa SGK thì việc thực nghiệm được giao cho nhóm tác giả và các công ty cổ phần.

Họ không có điều kiện thực nghiệm theo đúng yêu cầu khoa học giáo dục chỉ dạy thử vài bài, đối tượng quy mô nhỏ chứ không được như chương trình SGK 2000. Giá như có sự thực nghiệm SGK với sự chỉ đạo của Bộ thì sẽ yên tâm hơn" - TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Theo TS Lê Thống Nhất, với các phản ứng của xã hội thì nhóm tác giả phải lắng nghe, cần loại trừ ý kiến cho rằng đánh hội đồng mà cần bình tĩnh lắng nghe, ngay trong năm học này cần có những tài liệu chỉnh sửa gấp để có thể thay đổi những điều mà xã hội đang phản ứng.

SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều có khoảng 150 bài tập đọc và tập viết có các trích đoạn hoặc "phỏng theo" truyện trong nước, ngụ ngôn nước ngoài... Trong đó, có trên chục bài bị cộng đồng lên án gay gắt vì "phỏng theo" và "thêm thắt" làm mất giá trị, tính thực tế và logic của chuyện gốc; dùng từ "thông tục" (mang nghĩa tục, không hay) như các từ: "chả", "chén"...(từ "chả" có trong rất nhiều bài).

Trước tính nhạy cảm của bộ SGK dạy cho trẻ em, việc dư luận bức xúc với những SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều vẫn chưa giảm và đang chờ đợi vào quyết định sớm nhất của Bộ GD-ĐT.