Sẽ xử phạt cả người chăn nuôi nếu vi phạm

ANTĐ - Lần đầu tiên sẽ có một Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn  nuôi (TACN) nhằm siết lại các hoạt động này. Tuy nhiên, làm thế nào để xử phạt, chế tài nào để buộc người vi phạm phải thực hiện vẫn là câu hỏi khó trả lời.
Cục  Thú y, Bộ NN&PTNT đang chủ trì soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, đóng góp ý kiến của các ngành liên quan. Nhiều quan điểm đã tỏ ra đồng tình vì lĩnh vực này bấy lâu nay còn bị bỏ ngỏ. Dù Pháp lệnh Thú y đã có từ lâu song đang trong tình trạng có mà như không. Thức ăn chăn nuôi lâu nay cũng không được quản lý chặt chẽ, không có sự phân cấp quản lý, trách nhiệm cụ thể. Hậu quả trong năm 2011, TACN nhiễm các chất cấm đã bị phát hiện tại nhiều tỉnh, thành, gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, không nên xử phạt người bán TACN nếu cơ sở này vi phạm, vì hàng được lấy từ nhà máy. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, các cơ sở bán TACN dù lấy từ nhà máy nhưng không biết mình bán gì là không thể chấp nhận được. “Họ phải có hợp đồng ràng buộc với nhà máy sản xuất, nếu không sẽ khó xử lý được vi phạm. Bên cạnh đó, người trung gian cũng phải liên đới trách nhiệm nếu TACN bán ra không đảm bảo”.

Mức phạt tiền tối đa vi phạm trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi áp dụng với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với lĩnh vực TACN, áp dụng đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng… như, người dân không báo cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y ở địa phương khi nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc khi thấy động vật bị mắc bệnh, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân; không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vaccine hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trong vùng ổ dịch cũ, vùng đã bị dịch uy hiếp; thả rông chó nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị… 

Hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu giết mổ để kinh doanh ở những địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt, sẽ phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trong vòng 24h trước và sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh. Phạt tiền từ 10 tới 20 triệu đồng đối với hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm.