Sẽ trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế

ANTĐ - Trả lời câu hỏi của PV Báo An ninh Thủ đô về lực cản từ lợi ích nhóm đối với yêu cầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khi nội dung tái cơ cấu chưa trình cấp có thẩm quyền thì chưa vội đặt ra vấn đề này.

- Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu nền kinh tế, bao giờ chúng ta mới bắt tay vào việc này, thưa ông?

- Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế. Công tác chuẩn bị đề án này sẽ kéo dài tới kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII (diễn ra khoảng cuối tháng 5-2012). Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, trong đó, tái cơ cấu dự kiến tập trung vào 3 khu vực: đầu tư, tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng, các định chế tài chính, và doanh nghiệp với chủ thể chính là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Những việc này đòi hỏi sự nỗ lực rất cao và sự cân nhắc rất kỹ từ các cơ quan Chính phủ.

- Việc tái cơ cấu đầu tư từ đầu năm đã đặt ra nhưng chưa hiệu quả?

- Thế nên bây giờ phải làm bài bản hơn, phải có đề án tổng thể, đầu tư phải tái cơ cấu như thế nào, ưu tiên cái nào trước, cái nào sau. Tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI  là tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện ở các ngành, các cấp, còn đây là 3 trọng tâm để tập trung chứ không phải chỉ có vậy.

- Liệu việc tái cơ cấu có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế?

- Chúng ta phải có bước đi, tính toán kỹ lưỡng. Tái cơ cấu không phải sự thay đổi hay làm đảo lộn tiến trình chúng ta đang triển khai.

- Nhiều ĐBQH đề nghị ưu tiên tái cơ cấu ngân hàng nhưng họ cũng lo lợi ích nhóm, cục bộ sẽ ngăn cản việc này?

- Tôi có biết những ý kiến đó nhưng lúc này theo tôi không nên vội vàng đặt ra vấn đề đó. Nội dung đề án chưa trình với cơ quan có thẩm quyền thì chưa nên đặt vấn đề đó.

- Theo nhận định của ông, đề án tái cơ cấu có được thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII?

- Nghị quyết của Quốc hội đã nói rất rõ việc xây dựng đề án tái cơ cấu phải hoàn thành và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Quyền quyết định cuối cùng thuộc các ĐBQH nhưng cá nhân tôi cho là đề án đó có thể được thông qua.

- Chúng ta sẽ giải quyết như thế nào về tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng?

- Nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn hệ thống là yêu cầu chính với ngành ngân hàng. Vừa rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói rất rõ (ông Vũ Đức Đam nói “Trong mọi trường hợp, phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng” - PV). Tái cấu trúc hệ thống tài chính sẽ đặt trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính nhằm mục tiêu nâng cao dịch vụ và tăng tính an toàn.