Sẽ tăng mạnh mức phạt vi phạm an toàn giao thông

ANTĐ - Theo nội dung Nghị định, các quy định xử phạt mới nhất đối với người điều khiển xe ô tô, mô tô, xe máy có sự thay đổi khá cơ bản so với mức xử phạt hiện hành. Một trong những lỗi mà người tham gia giao thông thường xuyên vi phạm là chạy quá tốc độ có thể nhận mức phạt đến 12 triệu đồng. Hay điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở cũng sẽ bị xử phạt từ 8 đến 12 triệu đồng.

Ô tô vi phạm có thể bị phạt tới 18 triệu đồng

Đáng chú ý, ngoài việc nâng cao mức phạt từ 800-1,2 triệu đồng, người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu giao thông còn bị tạm giữ Giấy phép lái xe lâu hơn so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP bằng hình thức tước giấy phép từ 1 đến 3 tháng. 

Cùng với lỗi vi phạm trên bị tước Giấy phép lái xe, theo Nghị định 46/CP, có thêm 5 lỗi vi phạm mà người điều khiển ô tô cũng cần lưu ý bởi mức phạt cao, thời gian bị “giam” bằng lâu hơn trước. Cụ thể, lỗi điều khiển xe máy chạy quá tốc độ trên 20km/h đến 35km/h phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Tương tự, lỗi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không tham gia cấp cứu người bị nạn cũng sẽ bị xử phạt mức tiền tương tự, chỉ thay đổi về thời gian tạm giữ Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Riêng lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc mức phạt từ 8 đến 12 triệu đồng kèm theo mức phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. 

Một trong những điểm quan trọng của Nghị định 46 chính là nâng cao mức xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT. Theo đó, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt từ 16 đến 18 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng. 

Cần thiết tăng mức xử phạt

Không chỉ tăng cao mức phạt đối với những trường hợp điều khiển ô tô vi phạm, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy khi vi phạm theo Nghị định xử phạt mới cũng sẽ bị tăng mức xử phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng. Ngoài những lỗi như vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại, ô khi điều khiển xe mức phạt cao nhất là 400.000 đồng; vi phạm khi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy cũng sẽ bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.

Đối với lỗi vi phạm như mũ bảo hiểm hiện đang được áp dụng từ 100.000-200.000 đồng thì nay theo Nghị định cũng được nâng lên thành 150.000 đến 250.000 đồng. Đáng chú ý, mức phạt đối với hành vi sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện ô tô cũng tăng cao từ 1 đến 6 triệu đồng, tùy theo nồng độ cồn xác định được trong máu hoặc khí thở. 

Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá: Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong đó có người điều khiển ô tô, xe máy, mô tô chống người thi hành công vụ là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình giao thông như hiện nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua mật độ phương tiện tăng chóng mặt.

Tính trung bình mỗi cán bộ chiến sĩ CSGT trong một ca công tác phải đảm bảo ATGT cho 2.000 lượt phương tiện. Sức ép về giao thông đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ trong đó có CSGT là rất lớn.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua tình hình vi phạm Luật Giao thông vẫn diễn ra, có nhiều đối tượng còn chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau. Thống kê, trong năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 14 vụ vi phạm chống người thi hành công vụ ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó các đơn vị chức năng đã khởi tố 3 vụ, nhiều vụ khác vẫn đang được hoàn tất hồ sơ xử lý. 

Đồng tình với ý kiến trên, qua tìm hiểu, đại diện chỉ huy các Đội CSGT số 1, 3 và 5 cũng cho biết, với việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 46/CP sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 107 và 171 sẽ tạo sự răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Hiện những hành vi mang tính chất chống đối, coi thường pháp luật như không chấp hành hiệu lệnh, không chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi nhiệm vụ... mức phạt trung bình chỉ từ 350.000 đến 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng.

Các hành vi đe dọa, chống người thi hành công vụ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng chỉ bị xử phạt đến 4 triệu đồng. Điển hình là những hành vi gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích 11% là có thể khởi tố vụ án thì hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông nếu gây ra thương tích thì tỷ lệ phải đến 31% mới khởi tố vụ án, điều này là bất hợp lý, không tạo sự răn đe đối với đối tượng vi phạm.

“Đối với những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT nghiêm trọng hay chống đối người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm minh. Khi tiến hành các biện pháp tố tụng hoặc xét xử, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra xét xử công khai, lưu động để tăng mức răn đe cũng như tránh tái diễn những sự việc tương tự”, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT nhận định.

Mức xử phạt khó áp dụng trong thực tế?

Nghị định đã bổ sung một số điểm mới đáng chú ý, trong đó có quy định: “Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy”.

Luật sư Nguyễn Thành Trung, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bình luận: Mặc dù quy định trên nhằm đảm bảo an toàn cho chính chủ phương tiện và người tham gia giao thông song hiện có không ít người dân tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nó vì họ hiểu rằng cứ quên gạt chân chống xe khi đi đường là vi phạm.

Tuy nhiên, chỉ khi chân chống hoặc vật khác bị quệt xuống đường do sự cố ý của chủ phương tiện thì người vi phạm mới bị xử phạt. Mặc dù vậy, việc xử lý người vi phạm với lỗi này cũng không hề đơn giản do trên thực tế, những người cố tình không gạt chân chống nếu thấy cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ thì họ sẽ nhanh chóng gạt lên để đối phó. Do vậy, để quy định này sớm đi vào thực tế, các cơ quan chức năng cần ban hành văn bản giải thích rõ ràng hành vi nào mới là hành vi Nghị định muốn hướng đến.

Mặt khác, hành vi cố ý không gạt chân chống hay vật cản khác, gây quệt xuống đường khi xe đang chạy có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho cả chủ phương tiện và những người tham gia giao thông khác.

Vì vậy, việc ban hành quy định xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người vi phạm dù nhằm mục đích ngăn chặn việc “cố tình” sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy song mức phạt vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo Nghị định 46/NĐ-CP, khi dừng xe tại các bóng râm (không đúng vạch) để chờ đèn đỏ, người điều khiển xe máy có thể bị phạt tới 200.000 đồng và người điều khiển ô tô có thể bị phạt tới 800.000 đồng.

Quy định này hoàn toàn phù hợp, bởi mọi phương tiện khi tham gia giao thông phải chấp hành các quy tắc, biển báo, vạch kẻ đường, phải dừng đỗ xe đúng nơi quy định. Song thực tế cho thấy, vào những ngày nắng nóng, tình trạng người đi đường chen chúc nhau đỗ xe dưới bóng râm chờ đèn tín hiệu gây cản trở giao thông diễn ra khá phổ biến.

Do đó, hành vi này cần bị xử phạt nghiêm khắc để người tham gia giao thông phải thấy rằng hành vi đó làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Quy định là vậy, song việc thực hiện cũng không hề dễ dàng bởi chỉ cần một người dừng đỗ xe không đúng chỗ thì ngay lập tức sẽ có nhiều người ùa theo cùng lúc. Đến khi đó, lực lượng chức năng sẽ khó lòng xử phạt được tất cả cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, quy định dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng hiện cũng được khá nhiều người dân ủng hộ, song cần phải làm rõ thêm như: Hành vi ở mức nào thì phạt 600.000 đồng, mức nào phạt 700.000 đồng, lực lượng chức năng cần triển khai những biện pháp gì để phát hiện chính xác người vi phạm, nếu không nghe điện thoại bằng tay mà trong xe nghe nhạc, hoặc lái xe nghe điện thoại bằng tai phone có bị phạt không…

Từ ngày 1-8, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành có hiệu lực, thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP. Đáng chú ý, gần như tất cả các hành vi vi phạm đều được tăng mức xử phạt và đây được xem là biện pháp mạnh “đánh” trực tiếp vào ý thức người tham gia giao thông.