Hồi âm xung quanh bài báo: “Bán được lá, lo mùa quả”

Sẽ tạm ngừng sơ chế nếu cây vải ra lộc ra hoa

ANTĐ - Sau khi Báo An ninh Thủ đô có bài phản ánh về việc thu mua lá vải thiều khô ở Bắc Giang, chiều 12-12 ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn đã khẳng định: “Việc thu mua  nhằm mục đích xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chứ không làm ảnh hưởng đến giống cây này”.

Người dân thu gom lá vải khô đem bán tại Lục Ngạn

Trong buổi làm việc với PV ANTĐ, ông Sơn cho biết việc công ty tổ chức thu mua lá vải thiều khô tại 2 huyện Lục Ngạn và Lục Nam, tỉnh Bắc Giang làm dấy lên nghi vấn về mục đích thu mua tương tự như trước đây thương lái Trung Quốc thu mua đỉa và ốc bươu vàng là hoàn toàn sai lầm. Ông sơn khẳng định: “Mục đích của công ty là thu mua lá vải thiều khô đã rụng xuống. Sau khi thu mua, chúng tôi sẽ tiến hành sơ chế, ép và sau đó xuất sang Nhật Bản. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục chế biến để nhằm mục đích cải tạo đất hoặc phân bón. Nguyên nhân mà Nhật Bản phải nhập khẩu lá vải thiều về theo tôi được biết là do nhiều vùng đất ở nước này đã bị nhiễm xạ do rò rỉ hạt nhân thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng”.

Cũng theo ông Sơn thì trước khi thu mua ồ ạt, công ty cũng đã thu mua được khoảng 2 tấn lá vải thiều khô. Số lá này được ủ trong 2 tháng và mời chuyên gia Nhật Bản sang kiểm tra chất lượng. Khi đối tác xác định chất lượng lá đủ điều kiện và ký hợp đồng thì công ty tôi mới bắt đầu thu mua trong dân. Vị giám đốc này bổ sung, trước đây phía Nhật Bản cũng đã từng thu mua lá nhãn ở Thái Lan, tuy nhiên do ảnh hưởng của trận lũ vừa qua nên đã chuyển thị trường sang Việt Nam với sản phẩm chính là lá vải vì hai loại lá này cho chất lượng tương đương nhau. “Chúng tôi cũng không mua lá vải thiều tươi do bởi sẽ mất rất nhiều thời gian để làm khô lá vải” - ông Sơn nói.

Để chứng minh ông Sơn đã đưa ra bản hợp đồng với phía Nhật Bản và tờ khai mở L/C (thanh toán quốc tế hình thức tín dụng thư). Theo dự kiến thì đến ngày 15-12, dây chuyền sơ chế lá vải khô của công ty sẽ đi vào hoạt động, nhưng do trục trặc kỹ thuật của một số chi tiết máy nên phải dời sang đến 20-12. Hiện Công ty Lâm Sơn đã cho tạm ngừng việc thu mua lá vải khô bởi kho chứa đã đầy. Với hơn 100 tấn mà các đại lý đã thu gom được trong thời gian vừa qua, ông Sơn cho rằng nếu ép thành khối thì chỉ được khoảng 4 container, chưa đủ để công ty đảm bảo sản lượng sẽ xuất cho đối tác trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, do mặt bằng và kho chứa, cộng với dây chuyền chưa hoàn thiện, nên chưa thể thu mua thêm. Trước câu hỏi với việc sơ chế và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ông có e ngại đến lúc nào đó sẽ cạn nguồn nguyên liệu lá vải thiều khô? Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Công ty đã thỏa thuận với đối tác Nhật Bản rằng, mỗi tháng chỉ có thể xuất khoảng 4 -8 container. Còn thời gian khi vải thiều bắt đầu ra lộc, ra hoa thì không còn nguyên liệu, nên có thể tạm ngưng sơ chế. Phía Nhật Bản cũng đã đồng ý với điều khoản này.