Sẽ rà soát việc thu bảo hiểm y tế học sinh

ANTĐ - Như ANTĐ đã phản ánh, đầu năm học này, nhiều phụ huynh bức xúc khi các nhà trường đề nghị nộp luôn tiền 15 tháng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh sinh viên (HSSV) với mức đóng tăng mạnh. Ngày 8-9, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết sẽ rà soát những khó khăn trong triển khai để tháo gỡ.
Sẽ rà soát việc thu bảo hiểm y tế học sinh  ảnh 1

- PV: Khi tăng mức đóng BHYT với đối tượng HSSV từ 3% lên 4,5%, mức đóng của đối tượng này sẽ cao hơn mức mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình. Cơ sở nào để quyết định mức đóng như vậy, thưa ông?

- Ông Phan Văn Toàn:  Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC năm 2014 đã quy định tăng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở. Hiện nay, các đối tượng khác cũng đang đóng BHYT là 4,5% và việc tăng mức đóng đối với HSSV là để ngang bằng với các đối tượng khác. Đúng là khi nâng mức đóng như vậy thì HSSV sẽ phải đóng phí tham gia BHYT cao hơn so với mức đóng của hộ gia đình có từ 5 người trở lên mua BHYT tự nguyện.

Cụ thể, mức đóng BHYT của 1 học sinh sẽ là 437.700 đồng/thẻ, còn nếu người thứ năm tham gia BHYT theo hộ gia đình thì họ chỉ phải đóng  khoảng 250.000 đồng. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) để nghiên cứu về vấn đề này và có chính sách phù hợp. 

Ban đầu chúng tôi đề xuất ngân sách hỗ trợ 50% cho HSSV tham gia BHYT nhưng ngân sách Nhà nước khó khăn nên thống nhất mức hỗ trợ tối thiểu là 30%. Ngoài ra, các tỉnh sẽ hỗ trợ thêm tùy theo ngân sách từng địa phương. 

- Việc nhiều trường yêu cầu học sinh phải nộp 15 tháng tham gia BHYT thực sự gây khó khăn cho không ít gia đình. Bộ Y tế và BHXHVN sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Do năm nay thời hạn sử dụng của thẻ BHYT thay đổi theo năm tài chính nên ở năm đầu tiên triển khai, HSSV sẽ phải đóng 15 tháng BHYT để từ năm sau lại đóng 12 tháng như cũ. Dù vậy, theo hướng dẫn của Thông tư 41 của BHXHVN, HSSV có thể đóng 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo khả năng của gia đình. Bộ GD&ĐT, BHXHVN cũng đã tổ chức tập huấn trên cả nước về vấn đề này song do công tác truyền thông chưa tốt khiến nhiều trường và phụ huynh chưa nắm rõ. 

Hiện tại, Bộ Y tế phối hợp với BHXHVN, Bộ GD&ĐT đang kiểm tra và tổng hợp việc thu BHYT của HSSV nhằm đánh giá, tìm ra khó khăn để tháo gỡ. Tuy nhiên, cũng phải chờ thêm một thời gian nữa, khi các trường đồng loạt triển khai thu BHYT thì mới đánh giá chính xác được.

Cũng qua kiểm tra, nếu việc hướng dẫn các nhà trường thực hiện thu BHYT không đầy đủ dẫn đến khó khăn khi thu BHYT của HSSV thì BHXHVN chịu trách nhiệm chính, còn nếu nhà trường đã được tập huấn mà vẫn triển khai thu 15 tháng một cách cứng nhắc, gây khó khăn cho gia đình HSSV thì các trường phải chịu trách nhiệm.

- Với sự điều chỉnh này, liệu có lo ngại tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV năm nay sẽ giảm, mục tiêu hướng tới lộ trình BHYT toàn dân càng khó khăn hơn, thưa ông?

- Theo quy định của Luật BHYT 2014 sửa đổi, bổ sung, tất cả HSSV đều bắt buộc phải tham gia BHYT ở nhà trường. Do đây là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, hơn nữa nếu tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu chính sách mới về BHYT ở năm học này thì tôi nghĩ việc điều chỉnh nói trên sẽ không ảnh hưởng đến tỷ lệ HSSV tham gia BHYT năm nay.

Mặc khác, nếu HSSV có cha mẹ là sĩ quan quân đội, công an, những trường hợp thuộc hộ nghèo và cận nghèo  sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nếu HSSV thuộc những đối tượng trên thì không phải tham gia BHYT ở nhà trường mà thuộc nhóm nào thì có quyền tham gia BHYT theo nhóm đối tượng đó. 

- Xin cảm ơn ông!

Các bên  cần cố gắng và chia sẻ 
Ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện thu phí BHYT theo hình thức nào  thì điều quan trọng nhất là phải thông tin cho các bậc phụ huynh biết, từ đó họ có kế hoạch cụ thể.

Nếu thu 6 tháng  một lần thì có thể giảm bớt áp lực, gánh nặng kinh tế cho các gia đình  khó khăn, nhưng nếu làm như vậy thì cứ 6 tháng HSSV lại phải đi đóng tiền mua thẻ BHYT  và chờ đợi để được có thẻ, các nhà trường cũng mất nhiều thời gian để thực hiện thu phí BHYT của HSSV.

Do vậy, nếu các bên cùng cố gắng một chút thì việc triển khai chính sách này sẽ thuận lợi và hài hòa hơn.