Hà Nội:

Sẽ quản chặt taxi

ANTĐ - Toàn bộ gần 16.000 xe taxi sẽ được sơn lại đồng màu theo quy định; taxi sẽ được gắn đồng hồ tính cước, in hóa đơn; quản lý  phân theo 2 vùng… là những nội dung chính của đề án phát triển, quản lý xe taxi giai đoạn 2010-2015, định hướng 2030 của sở GTVT trình UBND TP Hà Nội.

Toàn bộ taxi Hà Nội sẽ được sơn lại đồng màu


Một màu sơn thống nhất

Theo tờ trình của Sở GTVT, Sở này đề nghị UBND TP quản lý taxi theo vùng và đi đến thống nhất màu sơn cho loại hình vận tải này. Cụ thể, trong giai đoạn  2012 - 2015, các xe taxi đăng ký mới phải tuân thủ quy định về màu sơn do thành phố ban hành. Các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi màu sơn theo quy định. Sau năm 2015, toàn bộ taxi sẽ chuyển thành một màu sơn thống nhất. Đối với vùng ngoài vành đai 3, các phương tiện hoạt động vận tải khách bằng taxi thống nhất màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vành đai 3. Đối với các phương tiện hoạt động vận tải khách bằng taxi đưa đón khách sân bay thống nhất màu sơn riêng.

Lý giải về việc chia vùng quản lý,  Sở GTVT cho rằng, việc phân vùng hoạt động taxi trên cơ sở lấy vành đai 3 của TP để áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện taxi phù hợp với từng điều kiện của từng khu vực. Sở GTVT đề nghị chia thành 2 vùng: Vùng trong vành đai 3 và vùng ngoài vành đai. Khi thực hiện phân vùng sẽ có các chính sách kèm theo như: Hạn chế phương tiện taxi hoạt động trong khu vực vành đai 3; Các phương tiện taxi ở trong vành đai 3 được đón trả hành khách ở ngoài; Các phương tiện taxi hoạt động ngoài vành đai 3 không được vào trong vùng đón khách; Taxi hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP.

Thống kê của Sở GTVT, tính đến tháng 11-2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 113 doanh nghiệp với gần 16.000 taxi hoạt động. Số lượng doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ: số hãng có số xe dưới 50 xe chiếm 43% số doanh nghiệp, sở hữu 8% số phương tiện trên địa bàn; số hãng trên 50 xe và dưới 100 xe chiếm 18% số doanh nghiệp, sở hữu 10% số phương tiện trên địa bàn; trong khi đó doanh nghiệp có trên 100 xe chiếm 39% số doanh nghiệp, sở hữu hơn 82% số phương tiện trên địa bàn. Trước tình trạng “bát nháo” trong hoạt động của taxi, Sở GTVT cũng kiến nghị tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP.


Chưa có phương án rút gọn

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng kiến nghị, các phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn. Mẫu hóa đơn phải tuân thủ nội dung như: Tên hãng taxi, số điện thoại; Mã số, mã vạch của đồng hồ; Số hiệu chuyến đi; Thời gian bắt đầu chuyến đi; Thời gian kết thúc chuyến đi; Số km thực tế chuyến đi; Số tiền thực tế theo số km; Số tiền phụ thu (Giờ cao điểm, lệ phí...); Phí phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố (nếu có); Thuế VAT...; Tổng số tiền phải trả của chuyến đi... Đồng hồ tính cước tối thiểu lưu trữ số liệu nửa tháng để tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, theo dõi.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị siết lại đội ngũ lái xe taxi, ngoài những giấy tờ, bằng cấp theo quy định như hiện nay, lái xe taxi phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Theo quy định hiện tại, lái xe chỉ cần đủ 18 tuổi, có bằng lái xe là được hành nghề lái xe  taxi. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, lái xe taxi là một nghề đặc thù, ngoài những am hiểu về đường phố Thủ đô cần phải có kiến thức, kinh nghiệm lái để xử lý những tình huống bất ngờ.

Tuy nhiên, đề án phát triển, quản lý taxi giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn 2030 của Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa đề cập đến vấn đề làm sao để sáp nhập, rút gọn được số DN tham gia kinh doanh taxi hiện nay. Trong khi  đó, đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động taxi khó quản lý. Sở GTVT nhận định, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh vận tải khách bằng taxi có xu hướng gia tăng. Một số DN taxi yếu về năng lực quản lý, hoạt động đầu tư mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, khi phương tiện xuống cấp không được bảo dưỡng đầy đủ hoặc chậm thay thế ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và giảm hiệu quả kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục