Vụ “thất thoát” 42 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh:

Sẽ phối hợp với Interpol truy bắt Phạm Thanh Hải

ANTĐ - Lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Bộ Công an thông tin như vậy với PV ANTĐ chiều 13-9, xung quanh diễn biến vụ “thất thoát” 42 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh Việt Nam, cũng như sự “mất tích” của nguyên kế toán viên của cục này - Phạm Thanh Hải.

Đầu tháng 6-2011, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Thanh Hải (SN 1977), nguyên kế toán viên của Cục Điện ảnh Việt Nam, về hành vi làm giả nhiều bộ hồ sơ ủy nhiệm chi, qua đó rút hơn 40 tỷ đồng từ tài khoản của Cục Điện ảnh. Có thông tin cho biết, đối tượng này đã bỏ trốn sang Canada.

Quyết định truy nã đối với Phạm Thanh Hải hiện đã được CQĐT Bộ Công an ra thông báo. Và một trong những hướng trọng tâm truy tìm tay kế toán “liều” này của lực lượng Công an Việt Nam sẽ là việc phối hợp chặt chẽ cùng Interpol - Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm cũng chính là vấn đề mà CQĐT đang tập trung xác minh, đó là Phạm Thanh Hải có phải là “tác giả” duy nhất của vụ án này?

Theo tài liệu điều tra ban đầu, hành vi của đối tượng này không diễn ra nhất thời, bột phát. Tất cả đã được tính toán, chuẩn bị kỹ và diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài (3 năm). Cần biết rằng, Phạm Thanh Hải chỉ là nhân viên Phòng Kế toán tài chính của Cục Điện ảnh. Trên Hải còn có Trưởng phòng, có Phó Cục trưởng Phụ trách kinh tế, rồi Cục trưởng - phụ trách chung. Các bộ hồ sơ ủy nhiệm chi mà Hải sử dụng để rút tiền theo quy định thường phải có đủ chữ ký của lãnh đạo Cục Điện ảnh. Và những chữ ký ấy là thật hay giả sẽ không khó để CQĐT xác minh làm rõ.

Nhìn nhận về vụ “thất thoát” 42 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính cho rằng: rất khó “thất thoát” nếu không có sự buông lỏng quản lý hoặc gián tiếp, hoặc cố tình tiếp tay cho hành vi phạm pháp của Phạm Thanh Hải.

Thường dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp phải báo cáo quyết toán, xuất toán với cơ quan quản lý tài chính cấp trên. Và sau mỗi năm, lãnh đạo đơn vị đều biết rõ số tiền ở trong tài khoản còn nhiều hay ít hoặc tiền đã chi như thế nào? Vậy tại sao hành vi gian lận của kế toán Hải kéo dài trong 3 năm mới bị lộ? Một ý kiến khác được đưa ra, đó là ngay cả khi có ủy nhiệm chi, kế toán Hải vẫn chưa đủ thủ tục để rút tiền ở kho bạc. Bởi muốn rút được tiền, phải có hợp đồng kinh tế, trong đó có đầy đủ chữ ký, con dấu của đại diện bên A, đại diện bên B. Còn rút tiền theo hạn ngạch phân bổ ngân sách hàng năm của Nhà nước cấp cho đơn vị thì phải có danh mục chỉ rõ khoản tiền đó cấp cho lĩnh vực nào… Đây là những vấn đề mà có lẽ CQĐT sẽ sớm có câu trả lời, ngay cả khi chưa bắt được Phạm Thanh Hải!