Sẽ loại bỏ nhiều điểm, bến đỗ xe bất hợp lý

ANTĐ - Từ nay đến năm 2012, Hà Nội sẽ sắp xếp, bố trí lại các điểm đỗ, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, tập trung cho các quận, huyện trong khu vực vành đai 2. Nhiều bến, bãi đỗ xe không hợp lý sẽ bị chuyển đổi, thay vào đó là những điểm đỗ xe cao tầng, lắp ghép…

Nhiều bến xe của Hà Nội hiện trong tình trạng quá tải. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Phú khánh


Điểm đỗ vừa thiếu vừa yếu

Đề án nghiên cứu sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 vừa được Sở GTVT trình UBND TP xem xét phê duyệt. Theo đó, nếu được thông qua, Sở này cho rằng, sẽ góp phần giảm tình trạng thiếu hụt các điểm trông giữ xe, đảm bảo trật tự công cộng tại các bến, bãi đỗ xe, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đề án đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý và kêu gọi vốn đầu tư xây dựng điểm, bãi, bến đỗ xe. Số liệu thống kê từ Sở này cho thấy, hiện tại, toàn TP có 1.178 điểm, bãi đỗ xe có giấy phép, chiếm diện tích gần 43ha. Tuy nhiên, các bãi đỗ, điểm đỗ này chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng các phương tiện hiện có. Số phương tiện còn lại, hiện phải gửi trong các điểm đỗ xe của chung cư, đô thị, cơ quan, trường học, lòng đường, vỉa hè… Tất cả các vị trí này đều không được cấp phép và vi phạm về trật tự công cộng, an toàn giao thông. Ông Linh nhận định: “Mạng lưới điểm, bãi đỗ xe công cộng phân bố không hợp lý, chủ yếu tập trung trong 8 quận nội thành, từ trung tâm TP đến vành đai 2. Mạng lưới bến, bãi, điểm đỗ xe không những thiếu về số lượng mà còn kém về chất lượng dịch vụ gây khó khăn trong công tác quản lý, mất mỹ quan đô thị và trật tự ATGT”.

Còn về bến xe khách, hiện có 41 bến, trong đó 11 bến xe liên tỉnh và 30 bến xe nội tỉnh, có diện tích hơn 22ha. Các bến xe khách hầu hết chật hẹp về diện tích, không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, các bến xe khách liên tỉnh đều nằm ở các đường vành đai và trục hướng tâm, vì vậy, giao thông ra vào bến không thuận lợi, dẫn đến thường xuyên ùn tắc giao thông. Đến thời điểm này có 9 bến xe tải nhưng bố trí không theo quy hoạch nào mà hình thành tự phát theo các chợ đầu mối, các đầu mối trung chuyển giao thông nên tính ổn định không cao.

Xây 20 điểm đỗ cao tầng tại 4 quận

Năm 2003, UBND TP đã có quy hoạch và mục tiêu xây dựng các điểm, bãi, bến đỗ xe đến năm 2020. Nhưng đến nay, theo ông Linh, vẫn chưa chỉ tiêu nào đạt được. Đơn cử như, tại QĐ 165/2003/QĐ-UB đưa ra, quỹ đất dành cho điểm đỗ, bãi đỗ xe công cộng đến năm 2010 là 503ha, nhưng năm 2011 mới đạt được 43ha.

Do vậy, ông Linh cho rằng, trong thời gian tới, phải nhanh chóng cải thiện, phát triển mạng lưới giao thông tĩnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết của nhân dân, đồng thời cũng là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông hiện nay. Trong đó, phát triển giao thông tĩnh vừa phải tận dụng tối đa các diện tích hiện có, vừa phải có lộ trình cụ thể.

Theo đó, các bến xe liên tỉnh hiện nằm sâu trong khu vực nội đô như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình sẽ được giữ lại, còn các bến xe liên tỉnh xây mới sẽ được bố trí chủ yếu ở khu vực ngoài vành đai 3. Khu vực nội đô có quỹ đất hạn chế, sẽ phát triển các loại hình bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, bãi đỗ xe theo công nghệ lắp ghép. Đối với các điểm, bến, bãi đỗ xe không hợp lý, gây ùn tắc giao thông sẽ loại bỏ dần; hạn chế cho đỗ xe tại các trục chính, vành đai, các tuyến đường có lưu lượng xe cộ lớn…

Với các bến xe khách liên tỉnh sẽ xóa bỏ những bến nằm  sâu trong nội đô, kết hợp nâng cấp bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm thành các bến xe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế đến từ các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Các bến xe như Lương Yên, Trạm Trôi không nằm trong quy hoạch nên sẽ chuyển đổi thành điểm đỗ xe và công trình dịch vụ công cộng.

Sẽ xây dựng thí điểm một số điểm đỗ xe cao tầng cơ giới, trước mắt tập trung ở một số khu vực như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Cụ thể, từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng 9 điểm đỗ xe và từ 2016-2020 sẽ xây thêm 11 điểm đỗ, các điểm dừng đỗ taxi có điều hành... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, ngoài những giải pháp cứng thì phải kết hợp cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất. Ví dụ, với các công trình cao tầng từ vành đai 2 trở vào khi thiết kế thi công phải có bãi đỗ xe ngầm đủ đáp ứng nhu cầu của dự án, ngoài ra, phải dành 30% diện tích đỗ xe cho nhu cầu công cộng của TP…