Sẽ không còn “1 ông chủ, 2 đội bóng”

ANTĐ - Ngay sau khi ra đời, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ có những giải pháp triệt để để giải quyết vấn đề nhức nhối bấy lâu nay của bóng đá Việt Nam, khi một ông chủ thâu tóm quyền hành ở nhiều hơn 1 đội bóng tại cùng 1 giải đấu.

Tình trạng “1 ông chủ, 2 đội bóng” như “bầu” Hiển sẽ sớm chấm dứt?

Chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng ở Việt Nam không phải hiếm. Tuy nhiên, việc những đội bóng ấy thi đấu ở nhiều giải, hay ở cùng một giải lại là chuyện hoàn toàn khác. Dư luận từng coi việc 2 đội bóng của cùng một ông chủ, tại cùng một giải đấu chẳng khác nào một cuộc chạy tiếp sức. Khi đội A lâm vào tình thế khó khăn, hoặc muốn đạt mục tiêu, thì đội B không khác nào “quân xanh” trong những cuộc đối đầu trực tiếp với đội A, hoặc là chướng ngại vật với những đội bóng khác để đội A thong dong tiến lên.

Kể từ thời điểm năm 2009, khi ông bầu Đỗ Quang Hiển chính thức cùng HN T&T thăng hạng, dù trên lý thuyết, ông là ông chủ của đội bóng Thủ đô, nhưng ai cũng biết, trong tay ông còn 1 đội bóng khác là SHB Đà Nẵng. Trên lý thuyết, ông chủ của HN T&T chẳng liên quan gì đến CLB SHB Đà Nẵng, khi ông từng khẳng định: “Về pháp lý, CLB HN T&T thuộc Công ty CP thể thao T&T, còn SHB.ĐN thuộc Công ty CP thể thao SHB.ĐN. SHB tài trợ cho Công ty CP thể thao SHB.ĐN và T&T tài trợ cho Công ty CP thể thao T&T. Hai đơn vị này hoàn toàn độc lập và hàng năm, VFF đã thanh tra và khẳng định rõ ràng”. Tất nhiên, lý thuyết thì là vậy, nhưng nhiều người đều biết ông Hiển là Chủ tịch HĐQT của cả T&T lẫn SHB, là “bầu sữa” của 2 Công ty CP thể thao SHB.ĐN và T&T.

Khái niệm “1 ông chủ, 2 đội bóng” đã được người ta nói đến và phản đối nhiều, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó. Ngay cả VFF, với những quy định khá chung chung trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng chưa đủ sức để răn đe và làm thay đổi thực tế ấy. Tuy nhiên, sự ra đời của VPF có thể cũng sẽ là điểm kết thúc cho điều này, từ năm 2012. Ngay trong bản Dự thảo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp 2012, VPF đã nhấn mạnh vấn đề này.

Theo đó, ở điều 21 quy định về Trách nhiệm của CLB ghi rõ: “CLB phải tham dự trận đấu với đội hình mạnh nhất, trong đó có ít nhất 6 cầu thủ đã thi đấu tại 1 trong 5 trận đấu trước đó... Tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu nhiều CLB, đội bóng tham gia trong cùng một giải đấu... Không được có bất cứ thành viên nào trong gia đình cá nhân đó là thành viên, cổ đông, đối tác thương mại, nhà tài trợ hoặc cố vấn của CLB, đội bóng khác”. Hẳn nhiên, chi tiết này được rất nhiều thành viên của VPF hưởng ứng. Tất cả đang chờ trình lên Đại hội cổ đông vào ngày 14-12 tới, để chính thức áp dụng từ mùa giải 2012.

 VPF sẽ có bộ phận kiểm toán độc lập

Chỉ một ngày sau khi Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép hoạt động cho công ty VPF, hôm qua 7-12, các thành viên chủ chốt của VPF đã có cuộc họp để thống nhất những vấn đề quan trọng trong Đại hội cổ đông sắp tới. Theo đó, VPF sẽ là công ty đa chức năng và có thể kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Điều đó cũng có nghĩa, VPF có bộ phận tài chính cũng như kiểm toán độc lập. Về nhân sự, đứng đầu VPF sẽ là giám đốc điều hành, dự kiến sẽ do ông Phạm Ngọc Viễn đảm nhiệm. Hai phó giám đốc dự kiến là ông Dương Nghiệp Khôi và ông Phạm Phú Hòa, giám đốc điều hành của CLB ĐT.LA.