Sẽ khả quan hơn, nếu...

ANTĐ - Tổng cục Thống kê vừa công bố tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng và giá đô la Mỹ tháng 11 và 11 tháng năm 2012. Theo đó, CPI của tháng 11 tăng thấp hơn 2 tháng trước đó, nhưng tăng cao hơn tháng 11-2011 là 0,39%. CPI của tháng 11 năm nay thấp hơn CPI bình quân cùng kỳ từ năm 2004 đến 2011 (10,63%). Tốc độ tăng CPI năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước cũng như so với mục tiêu đề ra, không phải do những yếu tố tích cực của nền kinh tế.

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, với diễn biến này cộng với những yếu tố quy luật cuối năm có thể biến động thì khả năng CPI cả năm 2012 sẽ ở mức trên dưới 8%, tức là thấp bằng một nửa CPI của năm 2011 và đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên đây không là điều đáng mừng bởi vì, theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, sau 11 tháng CPI của hai nhóm này vẫn mang dấu âm, trong đó giảm sâu hơn cả là lương thực và giảm nhẹ liên tục hoặc tăng thấp so với tốc độ tăng chung là thực phẩm, đồ uống, đồ dùng gia đình, du lịch. Chỉ có 7 nhóm hàng tăng cao, trong đó tăng cao nhất là dịch vụ y tế và giáo dục. Sở dĩ giá lương thực giảm sâu một phần là do sản lượng lúa đạt kỷ lục, xuất khẩu gạo giảm mạnh và do nhập khẩu khá lớn lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc.

Như vậy CPI tăng thấp hơn năm trước không được đánh giá là một thành tích vì không phải do hiệu quả đầu tư cao, năng suất lao động cao hơn hay nguồn cung hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động chưa thể cải thiện được, trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm ở mức thấp nhất so với 12 năm trước và thấp xa so với mục tiêu đề ra; riêng 10 tháng qua xuất siêu 8.960 triệu USD. “Bức tranh” kinh tế năm nay cho thấy sự sụt giảm của tổng cầu cả về đầu tư sản xuất và tiêu dùng. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư/CPI mạnh từ 41,9% năm 2010 xuống còn 34,6% năm 2011, dự báo chỉ còn 29,5% trong năm nay. Đặc biệt là “gam màu” ảm đạm, trầm lắng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làng nghề bị suy giảm nghiêm trọng do đóng cửa, giải thể, ngừng sản xuất. Tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá đã bị suy giảm trong năm 2011, đến năm nay vẫn thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2010. Cho dù tăng hàng tồn kho của công nghiệp chế biến có chậm lại, song vẫn còn cao, trong khi tồn kho cao đang có xu hướng loang rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực từ chứng khoán, bất động sản đến cả ngân hàng, tín dụng.

Chỉ còn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2012, với những hệ lụy đáng lo ngại, Chính phủ đã phải điều chỉnh tăng trưởng GDP từ mức 6,5% xuống còn 5,5% và nhiều khả năng cả năm nay chỉ đạt khoảng 5,2%. Những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm nay có thể kéo sang năm 2013, tác động tới tăng trưởng, song ở mức độ không lớn. Giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách dự báo kinh tế năm 2013 sẽ khả quan hơn nếu có những biện pháp xử lý và quản lý phù hợp, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tồn kho giảm dần, tốc độ lưu chuyển dòng tiền tăng lên và nền kinh tế sẽ thoát dần khỏi tình trạng trì trệ.