Sẽ hết cảnh trắng đêm xếp hàng xin học

ANTĐ - Đây là cái mốc mà Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đặt ra trong cuộc họp với 29 quận, huyện sáng 28-9 nhằm tập trung giải quyết vấn đề xây dựng trường học trong thành phố. Theo đó, quận, huyện nào không hoàn thành được việc xóa trắng phường chưa có trường mầm non thì Chủ tịch UBND quận, huyện đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu tiền

Bàn về hệ thống mạng lưới trường học trên địa bàn Hà Nội, rà soát tình trạng thiếu trường, kế hoạch xây dựng trường học, sáng 28-9, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã lắng nghe ý kiến của đại diện 29 quận, huyện về khó khăn thực tế cũng như giải pháp thực hiện. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, cuộc họp này, mục đích chính là tìm ra lời giải cho những chất vấn của người dân nhiều năm nay cứ vào đầu năm học lại phải xếp hàng từ nửa đêm để xin cho con vào trường. Tình trạng quá tải ở nhiều trường học ở Hà Nội trước sức ép tăng dân số cơ học cũng cần có lời giải sớm khi mà hầu hết các quận nội thành không còn quỹ đất trống cho trường học.

Ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, một trong những quận có tỷ lệ dân cư trên diện tích đất đông nhất thành phố và cũng là nơi tập trung nhiều phường thiếu trường mầm non nhất, cho biết việc khắc phục tình trạng này được coi là vấn đề trọng tâm cần giải quyết của quận. Ông Trần Đức Học khẳng định, quận hoàn toàn có thể đảm đương về nguồn lực đối với việc xây dựng các trường mầm non (MN) công lập nhưng muốn triển khai vẫn cần quỹ đất đối ứng của thành phố để di chuyển doanh nghiệp trên địa bàn. “Quận đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp đang đóng trên những địa điểm có thể sử dụng xây trường MN ở 4 phường chưa có trường. Tuy nhiên vấn đề là các doanh nghiệp cần được thành phố tạo điều kiện về quỹ đất để di dời”. 2 phường còn lại chưa có trường MN thuộc về quận Hai Bà Trưng. Ông Phan Tiến Bình, Chủ tịch UBND quận cho biết, kế hoạch trước mắt có lớp học MN cho 2 phường đã được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2012 nhưng về lâu dài vẫn kiến nghị thành phố chuyển quy hoạch một số địa điểm là đất ở thành đất xây dựng trường học để hoàn thành trong năm 2013, 2014.

Trong khi các quận nội thành loay hoay với bài toán thiếu đất thì huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đã bố trí đủ đất để xây dựng trường học với tổng số phòng học còn thiếu hiện nay là 218 phòng. Vấn đề ở chỗ, năm 2011, huyện Mỹ Đức đã dành tới 90% kinh phí phân cấp tập trung của thành phố dành cho địa phương đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục. “Số tiền được phân cho Mỹ Đức là hơn 90 tỷ đồng nhưng đầu tư cho giáo dục là gần 80 tỷ đồng. Để xây dựng đủ trường lớp theo thống kê, Mỹ Đức cần 500 tỷ đồng thì có dành 100% kinh phí thành phố cấp vẫn cần tới 5 năm nữa mới hoàn thành” - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết.


“Lấy cả biệt thự làm trường học nếu cần”

Ngay khi các phương án được các quận, huyện nêu ra đối với những điểm trắng này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đặt ra câu hỏi liệu trước 2015 các quận, huyện có khẳng định sẽ hoàn thành hay không? Tuy nhiên, câu trả lời được đưa ra không mấy dứt khoát khi phải đi kèm với phần nêu điều kiện là nếu được thành phố giải quyết vướng mắc về quỹ đất thì mới thực hiện được. Tuy nhiên đây mới chỉ là vấn đề trước mắt, còn về lâu dài, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và tăng dân số cơ học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thống kê muốn đảm bảo diện tích xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Hà Nội còn thiếu tới 5.411.099m2, trong đó bậc học MN thiếu 2.337.348m2, cấp TH thiếu 1.964.197m2 và cấp THCS thiếu 1.109.554m2.

Không đồng ý với việc coi thiếu quỹ đất là nguyên nhân khách quan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, trong này có lỗi chủ quan của khâu quản lý. “Thành phố chỉ đạo rất quyết liệt, xử lý từng điểm quy hoạch xây trường cho các quận. Chủ trương cũng rất rõ ràng là ưu tiên số 1 cho xây dựng trường nhưng có quận huyện đã có đất nhưng có xây được trường hay không?”. Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, việc cần làm ngay là phải rà soát quy hoạch, không chỉ rà soát đất đai mà cả nhà cửa, “ngay cả biệt thự, nếu chưa bán được thì không kinh doanh nữa, để dành đất đấy cho con em mình làm trường học” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh. Việc dành đất cho trường học còn có thể xem xét điều chỉnh cả quỹ đất quy hoạch cho công viên, khuôn viên cây xanh trong các quận huyện.

Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, tình trạng thiếu kinh phí để xây trường có thể khắc phục. Địa phương nào thiếu tiền thì báo cáo, thành phố sẽ hỗ trợ. Còn việc thiếu đất thì phải nhìn nhận lại nguyên nhân là gì để khắc phục. “Nhiều nơi đã đặt vấn đề ưu tiên không đúng trọng tâm, chưa ưu tiên cho trường học. Cộng với việc quản lý kém dẫn tới đất bị lấn chiếm. Riêng công viên Đống Đa, nếu được giải tỏa được số đất bị lấn chiếm thì đủ chỗ học cho cả quận”. Theo đó, mục tiêu Bí thư Thành ủy đặt ra là trước năm 2015, Hà Nội phải giải quyết triệt để các vấn đề thiếu trường với bậc mầm non và trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chủ tịch UBND các quận, huyện.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời

Ngày 28-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 8 - 10, tại Hà Nội sẽ diễn ra Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời do Bộ GD-ĐT phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Hội Khuyến học, Bộ VH-TT&DL... tổ chức. Thông điệp của tuần lễ này là “Học tập suốt đời-Chìa khóa của mọi thành công”. Hàng loạt các hoạt động giáo dục miễn phí sẽ diễn ra tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, và một số cơ sở giáo dục của quận Đống Đa để người dân tham gia trong tuần lễ này. Mọi người đều có thể tham gia các chuyên đề giáo dục sức khỏe, hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy tại gia đình, cộng đồng..., hướng dẫn kỹ thuật may đo, võ thuật, làm hoa nghệ thuật, ẩm thực cho người cao tuổi... Đây là lần đầu tiên Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức tại Việt Nam với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời đồng thời nâng cao khả năng cung ứng giáo dục của các cơ sở giáo dục trong và ngoài nhà trường.