Sẽ gắn kết quả kiểm toán với việc lấy phiếu tín nhiệm?

ANTĐ - Hôm nay (22-5), các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2013 và quyết toán NSNN năm 2011.

Các đại biểu cho rằng, ngoài bất động sản, các lĩnh vực kinh tế khác cũng cần được "giải cứu"

Không chỉ riêng BĐS cần “giải cứu”

Nhìn chung các ý kiến trong đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đều nhận định báo cáo bổ sung của Chính phủ đã nói khá rõ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, khu vực. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, đồng thời quan tâm, đảm bảo hơn với an sinh xã hội, giữ vững ANCT, trật tự ATXH và quốc phòng.

Cơ bản thực hiện tốt NSNN năm 2012 và triển khai dự toán 4 tháng đầu năm 2013, đã tiếp tục triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội (QH). Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, số liệu báo cáo và đánh giá của Chính phủ vẫn còn một số điểm khác với báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách), đồng thời cũng còn khác với ý kiến của cử tri mà Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã nêu trong phiên khai mạc. Đây là những vấn đề cần được xem xét lại.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu cho rằng có 11/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch KT-XH đề ra. Do có một số chỉ tiêu dù đạt được song chưa thuyết phục, nên có đại biểu đặt câu hỏi, có cần điều chỉnh chỉ tiêu hay không? Một loạt các ý kiến được đưa ra, đề cập rất nhiều lĩnh vực: hoạt động của thị trường vàng, tiền tệ, tài chính, hoạt động ngân hàng, giáo dục đào tạo, cải cách tiền lương, phát triển kinh tế biển, vấn đề cải cách các thủ tục hành chính cũng như cải cách bộ máy cán bộ làm công tác hành chính, liên quan đến y tế- y đức, vấn đề khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, tạo việc làm lao động để giảm nghèo... Các ý kiến đều nêu thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể.

Khá nhiều ý kiến tập trung vào các khối doanh nghiệp phát triển kinh tế, cho rằng, về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cần minh bạch, công bằng hơn. Một số đại biểu nhận định, thời gian qua chúng ta đang quá chú trọng vào việc giải cứu thị trường bất động sản mà lơ là đi ở các lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá tình hình sát thực tế hơn do trong báo cáo vẫn còn nhiều “màu hồng”; vẫn chưa rõ được sự phối hợp các bộ ngành của Trung ương, cũng như chưa rõ trách nhiệm của các tư lệnh ngành. 

Phiên họp tổ của đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Cắt giảm chi tiêu không khéo thành...lãng phí

Ở nội dung đánh giá kết quả thực hiện NSNN năm 2012 triển khai dự toán NSNN năm 2013, các đại biểu tập trung phân tích về thu, chi và bội chi ngân sách, lĩnh vực nợ đọng và phân bổ theo dự toán...Có ý kiến cho rằng Chính phủ phải xem lại việc cắt giảm chi tiêu và cần có chọn lọc cụ thể, nếu không việc cắt giảm lại chính là nguyên nhân dẫn đến lãng phí (ví dụ khi một công trình sắp xây dựng xong thì bị cắt giảm ngân sách nên đình lại vô thời hạn, không thể đi vào sản xuất kinh doanh). Đề nghị Chính phủ tăng cường thanh- kiểm tra về thu chi ngân sách.

Nhóm nội dung thứ 3 là quyết toán NSNN. Qua ý kiến các đại biểu nêu ra thì vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề: báo cáo kiểm toán thì vẫn làm như những năm trước và các kiến nghị qua một năm vẫn chưa được giải quyết triệt để (ví dụ có lần vấn đề sửa 11 văn bản quy phạm liên quan ở tầm Chính phủ được đại biểu nêu ra, sang năm sau đó cũng mới chỉ sửa được 3 văn bản, số còn lại tồn đọng). Ngoài ra có tình trạng lập dự toán ngân sách hàng năm chưa chính xác, vậy việc này có cần kiểm điểm trách nhiệm hay không cũng cần được làm rõ. Có ý kiến đại biểu nói về chuyện báo cáo quyết toán thu thì có tăng nhưng lại mâu thuẫn việc không hoàn thuế được; chi cho một số lĩnh vực cũng không đạt được mục tiêu đề ra như: giáo dục, khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia... mà cũng không có phân tích lý do vì sao.

Ở nội dung này, các đại biểu đề nghị xem lại các số liệu trong báo cáo của Chính phủ và của Ủy ban Tài chính ngân sách có những chỗ không khớp như tổng thu, tổng chi và bội chi ngân sách, như vậy vấn đề lập dự toán của năm 2011 là có vấn đề. Cuối cùng có ý kiến đại biểu cho rằng kỷ luật trong chấp hành ngân sách thì vẫn chưa có bước chuyển biến tích cực, vì vậy đề nghị gắn kết quả kiểm toán hàng năm với trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo, để liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Hạ lãi suất ngắn hạn, tiền gửi vào ngân hàng nhiều nhưng các doanh nghiệp không có vốn để sản xuất, vậy tiền đi đâu? Hôm họp UBTVQH tôi cũng có hỏi mấy người, các anh nói rằng thực ra có tiền, song không dám cho vay bởi độ tin tưởng của các doanh nghiệp hiện nay (thế chấp, tín chấp) là chưa đảm bảo để thu hồi được vốn. Trong khi tiền đó lại để mua trái phiếu, hoặc ngân hàng A gửi cho ngân hàng B để lấy lãi chênh lệch, như thế là không được. Tiền này là để đầu tư sản xuất, không thể lấy việc cho doanh nghiệp vay mấy năm trước đây để đầu tư bất động sản, giờ bị đóng băng để không xuất tiền ra. Cái này cần phải làm rõ, để kéo dài sẽ không có lợi cho sự phát triển.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường: Đã đến lúc phải thừa nhận trạng thái sự khó khăn từ kinh tế đến an sinh xã hội, để có những giải pháp cấp bách. Tăng trưởng GDP, tổng vốn đầu tư phát triển/GDP đã xuống thấp nhất từ năm 2000 đến nay, cùng với đó là đóng băng tín dụng, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, doanh nghiệp phá sản, đời sống sa sút triệt tiêu sức mua nhu cầu tiêu dùng- ở đây cần xác định rõ bài toán hiện tại là “hỏng cung mất cầu”, cần giải quyết như thế nào? Tôi cho rằng Chính phủ đang quá trọng cứu cung (cũng chỉ xoay quanh các giải pháp vốn vay, hạ lãi suất vay), đến lúc cần xem xét chuyển trọng tâm sang kết hợp với đa dạng hóa các giải pháp kích cầu.