Sẽ đề xuất chủ trương quy hoạch Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố...
Hà Nội sẽ đề xuất chủ trương quy hoạch Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Hà Nội sẽ đề xuất chủ trương quy hoạch Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, UBND TP Hà Nội xác định, đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng hàng năm tương ứng với các cấp độ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó quan tâm cơ cấu khách nội địa, khách quốc tế. Phấn đấu năm 2025 thu hút trên 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 8 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình trong nước (VTV, HTV), quốc tế (CNN) và trên các nền tảng truyền thông khác.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch định kỳ hằng năm tổ chức các sự kiện, lễ hội thu hút khách du lịch. Phối hợp tốt với các địa phương tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá du lịch Thủ đô (SEAGames 31).

Đáng chú ý, Hà Nội đặt ra kế hoạch phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ gồm: Khu vực đô thị Nam đường vành đai 3 – Bitexco (Hoàng Mai); không gian đi bộ xung quanh hồ Thiền Quang – Công viên Thống nhất; không gian đi bộ quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám; không gian đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây.

Hà Nội cũng sẽ triển khai kêu gọi đầu tư 1 Tháp trung tâm tài chính; 1-2 khu Outlet quy mô lớn. Phấn đấu đến năm 2025, hình thành 1 trung tâm bán buôn, mua sắm cấp vùng, 3 trung tâm logistics, 15 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 80 siêu thị và 107 chợ (5 chợ đầu mối tại Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai). Ngay trong năm 2021, xây mới 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, 26 chợ; cải tạo, sửa chữa 59 chợ; phát triển trên 30 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP. Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội.

UBND TP cũng sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất các nội dung để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được phê duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng. Đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang, các khu vực hai bên tuyến đường giao thông; Lập các quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn theo hướng xanh, hiện đại, giữ gìn bản sắc truyền thống. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, tổ chức triển lãm công bố công khai quy hoạch đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng nền tảng về hạ tầng KTXH tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo (Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín...).

Thành phố cũng sẽ chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân. Sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Phấn đấu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 25 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.

Phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô; hình thành Trung tâm văn hóa Tây Hồ Tây, xây dựng công viên Thăng Long gắn với các công trình biểu tượng văn hóa Thủ đô như: Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Nhà hát Thăng Long, quảng trường văn hóa hướng ra hồ Tây... Trung tâm văn hóa quốc gia trên trục Hồ Tây - Ba Vì, xây dựng mới Quảng trường Hòa Bình, Trung tâm giao lưu văn hóa quốc gia, quốc tế (khoảng 200-250 ha).