Sẽ có khung pháp lý cho tiền ảo

ANTD.VN - Dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận, nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm... Vì vậy, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn tất dự thảo nghị định về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử. 

Tiền ảo xuất hiện tại Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy

Nhiều hệ lụy

Dự thảo Nghị định về tiền ảo do Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12-2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3-2018. Hiện, Bộ Tư pháp đã hoàn tất lộ trình ban đầu về việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, nhằm cụ thể hóa các quy định về quản lý tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015 trong các lĩnh vực nêu trên.

Bản dự thảo đề án cho biết, gần đây, việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến ở nhiều nước và trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, trong đó có Bitcoin.

Việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Đặc biệt, đề án của Chính phủ còn đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ...

Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…

Trong thời gian qua, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng để cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.

Trên thực tế, Bộ Công Thương đã nhiều lần đưa cảnh báo về các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo. Bộ Công an cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho - nhận tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, tại tỉnh Gia Lai, các đối tượng lừa đảo đã huy động tiền của hàng trăm người dân để lôi kéo họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”, lãi suất lên tới 144% mỗi tháng.

Sau khi đã chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng của người dân, các đối tượng lừa đảo đã biến mất. Do các giao dịch chủ yếu diễn ra trên mạng internet nên công tác điều tra rất khó khăn. 

Cần một hành lang pháp lý

Trước thực tế đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh. Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013 đều không có quy định cấm giao dịch sử dụng tiền ảo.

Tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 52 của Chính phủ, tiền ảo cũng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử.

Đánh giá về việc Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý tiền ảo, chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng thời điểm này là đã chậm, dù chưa phải quá muộn. Vì thực tế tiền ảo đã xuất hiện ở Việt Nam một thời gian và đã có những hậu quả cùng cảnh báo được đưa ra nhưng chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này.

TS Cấn Văn Lực nêu ví dụ, mới đây TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án đặt phòng du lịch trên mạng theo hình thức đa cấp với số lượng bị hại lên tới hơn 11.000 người. Vụ án có đề cập đến tiền ảo, khoản tiền được ghi nhận trong ví điện tử của mỗi khách hàng sau khi tham gia mạng lưới.

Thay vì nộp tiền, nhận thưởng bằng tiền mặt như hoạt động đa cấp thông thường thì ở đây, tiền được tích vào tài khoản trên mạng và chỉ khi lôi kéo được khách hàng mới nộp tiền thật vào thì mới được hưởng lợi.

“Trong quá trình tranh luận tại tòa, giữa các luật sư và đại diện cơ quan công tố đã tranh cãi về việc sử dụng khái niệm “tiền ảo” hay “tiền điện tử” mới đúng. Dù là tiền ảo hay tiền điện tử đều còn rất mơ hồ, NHNN khẳng định đó không phải là tiền. Bộ Công Thương thì bảo không phải là hàng hóa, còn Bộ Tư pháp, Bộ Công an không thừa nhận đó là tài sản. Nói tóm lại là không ai thừa nhận và cũng không ai quản lý” - TS Cấn Văn Lực cho biết.

Do đó để quản lý, theo TS Cấn Văn Lực, cần phải quy định rõ xem đó có phải là tiền tệ, phương tiện để thanh toán, cất trữ hay là phương tiện để đầu tư. Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong từng khâu quản lý, vì thời gian qua chưa rõ trách nhiệm.

Thứ ba, trường hợp xảy ra rủi ro thì sự phối kết hợp các bộ, ngành được quy định thế nào. Và cuối cùng, từ nay về sau công tác kiểm tra, giám sát phải ở mức độ chặt chẽ và hợp lý hơn.