Sẽ có hội đồng thẩm định các quảng cáo phản cảm, gây "sốc"

ANTĐ - Biểu quyết tại hội trường Quốc hội sáng nay (21-6), dự thảo Luật Quảng cáo đã được thông qua với 486 số phiếu tán thành, chiếm 97,39% tổng số đại biểu. 

Trước đó, thảo luận tại hội trường sáng 30-5 vừa qua, nội dung cấm quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, quảng cáo rượu, sữa thay thế cho trẻ em đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

Quảng cáo phản cảm sẽ bị "sờ gáy"
Trước ý kiến cho rằng quy định cấm “quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là thiếu cụ thể, không có tiêu chí để xác định vi phạm, dễ bị chi phối bởi nhận thức chủ quan của từng cá nhân, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, đây là những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ đối với mọi sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không thể liệt kê hết những hành vi liên quan đến quy định cấm này.
Để tránh những bất cập đã nêu, tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo, Dự thảo luật đã thiết kế thêm 2 điều: Điều 10 giao tổ chức nghề nghiệp có trách nhiệm xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trình Bộ VHTT&DL phê duyệt, trong đó sẽ quy định chi tiết những hành vi liên quan đến những vấn đề đề cập trong khoản 3 Điều 8; Điều 9 về Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo do Bộ VHTT&DL thành lập sẽ là trọng tài khách quan để xác định hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp.  
Theo UBTVQH, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật, trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Thành phần của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
Sẽ có hội đồng thẩm định các quảng cáo phản cảm, gây "sốc" ảnh 1
1-1-2013, khi luật có hiệu lực, các quảng cáo sẽ được thẩm định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý

Cấm quảng cáo rượu trên 15 độ, sữa cho trẻ dưới 12 tháng

Trước một số ý kiến đại biểu, đề nghị cấm quảng cáo rượu hoàn toàn vì rượu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. UBTVQH cho rằng, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại đồ uống có chứa cồn bao gồm: Bia có nồng độ cồn nhỏ hơn hoặc bằng 5 độ,  rượu nhẹ có nồng độ cồn từ 12 đến 15 độ và rượu nặng có nồng độ cồn từ trên 20 độ. Theo quy định của Thông tư 45/2010/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì rượu mạnh có độ cồn không dưới 15 độ.

Như vậy, nếu cấm quảng cáo rượu hoàn toàn, vô hình trung sẽ cấm quảng cáo toàn bộ đồ uống có cồn, bao gồm cả bia và rượu nhẹ, trong đó có một số đồ uống tốt cho sức khỏe (như các loại rượu vang, đồ uống dinh dưỡng...). Hơn nữa, đa số các tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu nặng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên như trong Dự thảo Luật.

Đối với nội dung quảng cáo sữa thay thế, trước một số ý kiến đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vào dự thảo Luật, một số ý kiến khác lại đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Về vấn đề này, theo UBTVQH, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, ở Việt Nam, chỉ 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là có đến trên 80% số trẻ nhỏ cần phải sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Như vậy, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ khi trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi rất khó khả thi. Hơn nữa, hiện nay, pháp luật về y tế đang quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.

Do đó, để bảo đảm lợi ích và nhu cầu chính đáng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, UBTVQH bổ sung nội dung trên thành "cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo". 

Cũng theo Dự thảo Luật, về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, Dự thảo Luật giao cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Ngoài những nội dung chính trên, về vấn đề xử lý vi phạm quy định trong quảng cáo: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Biểu quyết tại Hội trường, dự thảo Luật quảng cáo đã được thông qua với 486 số phiếu tán thành, chiếm 97,39% tổng số đại biểu. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 -1- 2013.