Say với chợ phiên Bắc Hà

ANTĐ - Chiếc ô tô 16 chỗ bám đường, bám núi, tròng trành trong sương sớm vượt qua những khúc cua tay áo của con đèo tựa như chiếc khăn mềm mại vắt ngang sườn núi nơi biên viễn Lào Cai đưa chúng tôi đến với phiên chợ Bắc Hà.


Nơi mùa xuân đến sớm

Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, con đèo và cũng là đường độc đạo dài khoảng 74km nối trung tâm thành phố Lào Cai với chợ Bắc Hà như thách thức những bác tài dù đã lão luyện trong nghề mỗi lần qua đây. Thăm thẳm vực. Sừng sững núi. Chỉ có con đường mỏng manh tựa sợi chỉ là nơi duy nhất tạo được thăng bằng cho sự di chuyển của con người. Thế mà, trên khắp các sườn núi, chẳng kể cao, thấp, nông, sâu cứ nơi nào có dấu hiệu của đất là nơi ấy sinh sôi sự sống con người. Từng thửa ruộng bậc thang tít tắp thêu lên chiếc áo xanh của đồi núi mùa vàng trĩu hạt.

Cái bờ đất song song, tăm tắp cố ý mà giữ nước cho cây lúa cứ ánh ả theo hừng đông bỗng hóa thành khuông nhạc để người ta gieo vào đó nốt nhạc lúa nương mà ngân nga giai điệu sự sống. Xen trong bức tranh xanh thẳm của núi rừng là le lói những nếp nhà trầm mặc. Có thể bao đời nay, nó cứ lặng lẽ như núi, hoang sơ như suối… mà hòa mình vào thiên nhiên. Mùa này, tất cả các bãi ngô đang nhất loạt ngả màu vàng sậm, lá bắt đầu khô, trơ ra cái thân khẳng khiu và lồ lộ bắp đến mùa thu hoạch.

Người dân Bắc Hà sinh sống chủ yếu dựa vào nông sản do họ làm ra, như: gạo, ngô, khoai, sắn… Có phải nhờ có nguồn dinh dưỡng ấy mà đôi chân của họ có được sức bền như núi, đôi tay mềm mại như suối để làm lanh dệt thổ cẩm, cái lưng vững chãi tựa bàn thạch mà cõng quấy tẩu vượt đèo, lên non…

Ven con đường ngoằn ngoèo những khúc cua, tôi bất chợt nhìn thấy vài cây đào phai lấm chấm nụ hồng. Mùa xuân đến sớm! Có thể lắm chứ, mặc dù vẫn còn chính xác mười hai tuần nữa năm Nhâm Thìn mới sang. Cảm xúc là lạ, nao nao, nghèn nghẹn cứ xâm lấn trong lòng. Nơi địa đầu Tổ quốc, khi cái lạnh của mùa đông đang tê tái trên ngọn cây, giăng mắc trên nếp nhà và làm nứt nẻ đôi môi của cô gái Mông thì đất trời lại ưu ái, hào phóng ban cho nơi này sắc trắng của mận, mơ, hồng nhạt của đào phai… mà sớm dệt nên bức tranh xuân ấm áp.

Rộn ràng chợ phiên

Cô gái Mông xúng xính trong phiên chợ vùng cao

Màu xanh của núi vẫn chưa nguôi ám ảnh thì những hoa văn đỏ, vàng, cam… rực rỡ trên chiếc váy thổ cẩm, rộn ràng theo nhịp bước của cô gái Mông, Dao… ở chợ phiên Bắc Hà bỗng làm sáng bừng rừng núi. Chợ bắt đầu họp vào 6 giờ sáng chủ nhật hàng tuần trên bãi đất rộng khoảng 4ha tại trung tâm huyện.

Từ trên cao nhìn xuống, chợ Bắc Hà lọt thỏm và bé xíu giữa bốn bề núi non, nhấp nhô những mái ngói đỏ và tấm bạt màu xanh được dựng lên trên khắp các gian hàng. Ngay cổng chợ, người dân bày bán nông sản la liệt trên bãi đất, chen lấn cả vào đường đi. Chẳng có câu chào mời nào nhưng du khách cứ tấp nập, rồi lăn xả vào những mặt hàng mà dưới xuôi không có, đó là những mẹt rau cải mèo tươi mơn mởn, bó rau to bằng hai ba lần mớ rau dưới xuôi mà giá chỉ có 3000 đ/mớ; rau đậu Hà Lan xanh biếc đặc trưng của miền khí hậu Bắc Hà, đến những tải khoai sọ tròn đều, nổi tiếng thơm ngon chỉ với 5000 đ/kg… ngô bắp hãy còn ngậm sương sớm, rồi từng bơ đỗ tương màu trắng xanh lạ mắt, măng chua, măng rừng bó thành từng mớ… cứ rộn ràng theo tay người mua làm ấm môi cười người bán.

Chim rừng lảnh lót trong chiếc lồng xinh xắn là nơi thu hút cánh đàn ông dưới xuôi. Họa mi, sáo sậu, chào mào, chim gáy vô tư nhảy nhót… chẳng biết chỉ một lát nữa thôi chúng sẽ xa rừng, xa núi mà theo xe ô tô về đồng bằng hót vui bên thềm nhà mỗi sớm mai thức dậy.

Đi qua quầy thuốc nam thơm lựng được người dân đi rừng tìm hái ở dãy núi Hoàng Liên Sơn, nào là thuốc mát gan, bổ thận, chữa đau xương, lá tắm sơ sinh, lá tắm đẻ của người Dao tỏa hương dưới bàn tay thô ráp của bà cụ người Dao đang xao thuốc trên chảo gang. Tùy từng loại, mỗi gói vài trăm nghìn cũng có, vài chục nghìn thì bạt ngàn…

Phía sau chợ là bãi đất trống bán gia súc, gia cầm. Các chú chó con được buộc dây ở cổ được bán với giá từ 70.000đ đến 90.000 đ/con; gà lông vàng mượt, chen chúc trong lồng giá 70.000 đ/kg, lợn lửng giá 90.000 đ đến 100.000 đ/kg; đặc biệt hơn cả là chợ trâu, ngựa, bò án ngữ trên thửa đồi sau cùng của chợ. Hầu hết là đàn ông bản dậy từ sáng sớm, dắt ngựa, trâu đến đây dịp phiên chợ. Mặt trời đã quá đỉnh núi, sương tan, cái nắng gắt cuối thu làm chùn bước chân du khách, họ lại tấp vào những dãy hàng, quán có mái che phía trong chợ… nơi đây đa số chỉ có người dân bản địa với những chú trâu hiền lành, lặng lẽ cúi mặt. Thỉnh thoảng mới có khách dưới xuôi ở Hà Tây, Thái Bình… lên tìm mua trâu thịt những tay lái trâu có kinh nghiệm chọn trâu lấy sức cấy thường là con đực, to, khỏe, vai rộng có chiếc cổ lừng lững… Trâu có giá trung bình từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/con, như thế so với dưới xuôi cũng rẻ gần một nửa.

Rượu ngô Bản Phố

Thổ cẩm được bày bán từ cổng chợ đến cuối chợ, từ những món đồ được treo cao trong sạp hàng đến tấm ni lon trải dưới đất mà bày bán, từ dải thắt lưng xinh xắn, chiếc xà cạp thuê hoa văn kỹ lưỡng đến những chiếc váy Mông sặc sỡ. Rặt một màu nóng, mặt hàng này thường thu hút các bà, các chị và khách nước ngoài.

Đến Bắc Hà không thể không nếm món thắng cố - đặc sản của người dân nơi này. Đó là thịt của bò, trâu, ngựa và nội tạng được nấu hổ lốn bốc hơi nghi ngút trên những chiếc chảo gang nấu ngay giữa chợ. Thắng cố được múc ra bát to, đầy có ngọn, phải dư đến nửa cân thịt với giá 50.000đ/bát, sóng sánh, ngầy ngậy của mỡ bò, trâu quyện trong vị ấm của gừng, mùi thơm thảo quả, quế hồi hấp dẫn du khách.

Ở Bắc Hà có một dãy năm quán bán thắng cố, người kinh ở đồng bằng, người dân tộc bản địa xì xụp bên bát thắng cố, ăn thắng cố phải chấm với tương ớt cay nồng ở miền sơn cước và không thể bỏ qua chén rượu Bắc Hà nhấm nháp. Thứ rượu trong vắt tựa nước suối mà mới đưa lên miệng đã nồng ấm men say, chiêu một ngụm mà khiến tê lưỡi, nóng ran cuống họng nhưng khi đã trôi vào dạ dày thì êm ru mà không biết ngả nghiêng lúc nào. Người bạn đi cùng tôi nói rằng “Vì thời tiết lạnh quanh năm, nên người dân nơi đây mới có thứ rượu đó, vị ớt cay ấy và màu sắc sặc sỡ của những chiếc váy thổ cẩm làm ấm lòng, ấm núi”.