Sau vụ cháy TTTM Hải Dương: Người dân lo mất nhà

ANTĐ - Trước những diễn biến khó lường do hậu quả từ vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, UBND TP Hải Dương đã quyết định sơ tán người dân đang sống xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho các hộ dân, song  người dân lại lo lắng có thể sẽ chẳng còn nơi để về.

Trung tâm Thương mại được dựng hàng rào tôn để phong tỏa khu vực nguy hiểm

Sơ tán như thời chiến

Theo ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, hiện nguy cơ TTTM Hải Dương bị đổ sập là rất lớn, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống xung quanh khu vực. Do vậy, việc sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm là việc làm cấp thiết, đặc biệt là những hộ dân đang sinh sống ở phố Mạc Thị Bưởi và khu vực đằng sau TTTM. Ngay trong ngày 18-9, UBND các phường Lê Thanh Nghị, Trần Phú đã huy động lực lượng để tổ chức sơ tán các hộ gia đình, trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Các hộ dân sơ tán phải tự liên hệ chỗ tạm cư, trường hợp  không có chỗ ở UBND các phường sẽ bố trí tại một số trường học, nhà văn hoá trên địa bàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ dân thuộc diện phải sơ tán đều đã có nhà kiên cố, cao tầng, trong số đó nhiều gia đình đang kinh doanh, buôn bán ổn định, buộc phải di dời đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn. Mặc dù lý do sơ tán được người dân đồng tình, song đây là việc cực chẳng đã. Một người dân sống ở phố Mạc Thị Bưởi, phường Trần Phú cho biết: “Nghe loa phóng thanh của phường phát lệnh sơ tán khẩn cấp các hộ dân xung quanh TTTM Hải Dương khiến chúng tôi liên tưởng đến cảnh sơ tán thời chiến”. 

Cho đến thời điểm này, hàng chục ngôi nhà nằm trên con phố Mạc Thị Bưởi đã trong tình trạng khoá cửa im lìm. Chưa bao giờ khu phố này lại trở nên vắng vẻ đến vậy.  Bà Nguyễn Thị Ng, sống ở phố Mạc Thị Bưởi cho hay, kinh tế gia đình bà trông cả vào việc bán các mặt hàng tạp hoá. Việc phải sơ tán, đóng cửa hàng khiến bà lo lắng mất ăn, mất ngủ, bởi không biết thời gian sơ tán trong bao lâu, những ngày tới gia đình bà sẽ trông vào đâu. 

Cuộc sống bị đảo lộn

Dường như sau vụ cháy kinh hoàng không chỉ hơn 500 bà con tiểu thương trong chợ bị “trắng tay” mà nguy cơ “mất nhà” của người dân sống gần khu vực xem ra không kém phần nặng nề. Bên cạnh đó, do phải di chuyển, tìm nơi ở tạm nên cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng nhất là người già và trẻ nhỏ. Theo một số hộ dân, do phải đi ở nhờ nên vợ chồng con cái mỗi người một nơi. Anh Trần Văn T- ở đường Mạc Thị Bưởi chia sẻ, mặc dù chính quyền địa phương có bố trí nơi ở tạm cho gia đình anh tại Nhà văn hoá phường nhưng do điều kiện sinh hoạt ở đây bất tiện nên anh đã đưa vợ con về nhà bố mẹ đẻ cách đó 10 km. Tuy nhiên, do 2 con còn nhỏ, lại đang đi học nên vợ chồng anh đã phải gửi 2 con ở nhà ông bà ngoại gần trung tâm thành phố để tiện việc học hành, đưa đón. 

Được biết, hiện UBND TP Hải Dương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc xem xét, quyết định có nên thực hiện tháo dỡ khẩn cấp công trình TTTM Hải Dương hay không, bởi công trình đã xuất hiện tình trạng vỡ, cong nghiêng các cột phía ngoài và các cột phía trong biến dạng. Để bảo đảm an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đang cho lắp hàng rào tôn, phong tỏa khu vực nguy hiểm do trước đó phần phía sau của TTTM Hải Dương đã bị đổ sập trong khi lửa còn đang cháy dữ dội. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tiếp cận được tầng 3 TTTM, nơi bố trí các gian hàng quần áo và phát hiện một số ki- ốt vẫn còn nguyên khối, không có hiện tượng bị bén lửa. Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng hiện tòa nhà đang có nguy cơ bị sập nên việc đưa hàng hóa ra ngoài chưa thể thực hiện ngay.

Sau vụ cháy TTTM Hải Dương: Người dân lo mất nhà ảnh 2

Sáng 19-9, UBND TP Hải Dương quyết định mở rộng phạm vi sơ tán khẩn cấp thêm các hộ dân ở đầu phố Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị. Thời gian sơ tán sẽ kéo dài từ nay đến khi tòa nhà trung tâm được các cơ quan chức năng xử lý. Ông Đoàn Việt Hùng- Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết, hiện chưa có cơ chế hỗ trợ các hộ sơ tán nhưng tất cả người dân đều chấp hành sơ tán và tự bố trí chỗ ở tạm tại nhà người thân.

Hệ thống PCCC gần như tê liệt

Ngày 17-9, Phòng Cảnh sát PC&CC CA tỉnh Hải Dương cho biết, trong quá trình xây dựng, TTTM Hải Dương có đủ thiết kế phòng cháy, chữa cháy và đã được phê duyệt vào ngày 15-6-2000, nghiệm thu ngày 7-8-2000. Hệ thống PCCC của TTTM bao gồm hệ thống cảnh báo cháy tự động, cấp nước chữa cháy, gần 100 bình chữa cháy xách tay. Thời điểm trước khi xảy ra vụ cháy, TTTM có 1 đội PCCC gồm 30 người (trong đó 18 người đã được cấp chứng nhận về huấn luyện nghiệp vụ PCCC). Tuy nhiên, hệ thống PCCC tại đây gần như bị tê liệt.