Mù Cang Chải và những nỗi nhọc nhằn (1)

Sau vẻ đẹp ruộng bậc thang

ANTĐ - “Mùa này Mù Cang Chải/Chợt nắng lại chợt mưa”, từ TP Yên Bái vượt qua đèo Khau Phạ , người ta còn bỡ ngỡ bởi bên này sương mù giăng kín, trời lâm thâm mưa. Qua đỉnh đèo, xuống bên kia, từng lớp ruộng bậc thang lại hiện dần ra, lớp lớp óng ánh trong nắng vàng mà ngơ ngẩn. Ai đã một lần đến Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, hẳn khó lòng dứt áo ra về.

Nụ cười được mùa của Giàng Thị Nì

Những đường cong của cô thôn bản

Mưa đầy, mù giăng kín trời, trời se se lạnh âm u trên đỉnh đèo Khau Phạ khiến ai cũng mang một cảm giác thất vọng, “vượt hàng trăm cây số đến đây, lại gặp cảnh mưa lâm thâm, trời âm u thế này thì tiếc thật”. Nhưng qua đỉnh đèo, sang bên kia, bầu trời chợt xanh ngắt, không gợn đám mây mù. Người dân nơi đây nói, đỉnh đèo Khau Phạ quanh năm sương mù giăng kín, nhất là chiều tối, về đêm và sáng sớm. Trên đỉnh đèo sương mù vấn vít, nhưng chỉ sang đến bên này là một kiểu khí hậu, tiết trời khác. Kéo dài 19km, với những con dốc, nếp cua tay áo ngả nghiêng, để bù lại, từng thang ruộng tầng tầng, lớp lớp hiện ra. Dưới bầu trời nắng vàng, những nương ruộng bậc thang phô hết được vẻ đẹp của mình.

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái và là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước, trong đó chiếm đến 90% là người dân tộc Mông và có đến gần 80% số hộ thuộc diện nghèo. Bù lại, Mù Cang Chải được thiên nhiên ưu đãi những cung ruộng bậc thang được xếp hàng danh thắng quốc gia, một trong những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á. Có thể là ngoa với những ai chưa một lần được chiêm ngưỡng Mù Cang Chải mùa lúa chín. Nhưng sẽ là không đủ với những người đã một lần biết đến nơi đây.

Buổi sáng náo nhiệt đã đến. Nhịp nhàng rộn rã ở một góc chợ nào đó, nhưng âm thầm và lặng lẽ từng bước chân vượt núi. Và trên núi đá kia, người dân đang lao động. Họ làm việc không ngưng nghỉ nhưng cũng không quá vội vã tất bật và bình thản. Có lẽ, trên các thửa ruộng bậc thang kỳ lạ kia, là những khuôn mặt ngàn đời vẫn thế. Hiền lành, thật thà và hồn nhiên. Khi ánh nắng thu trải dài trên các triền núi, chúng tôi hân hoan ngắm cảnh vật xung quanh. Con mắt được thỏa thuê nhìn ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang kế tiếp nhau, nằm trên thung lũng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, ngút ngàn, mênh mông.

Có lẽ duy nhất ở nơi này, ruộng bậc thang cũng bát ngát như biển khơi vậy. Cái kỳ vĩ bao la ấy cùng với ánh sáng thiên nhiên làm cho con người như ngộp thở vì hạnh phúc được thụ hưởng vẻ đẹp của tạo hóa, nhất là với ánh nắng thu vàng rượi, dịu dàng. Xanh vàng xen kẽ nhau, từng đường cong quyến rũ.

Chúng đều đặn, uốn lượn, từng nấc từng nấc bám theo núi cao, như lẩn vào mây trắng mà lên tới trời. Hít căng lồng ngực, hít vào thở ra, thật sâu. Mùi hương lúa, mùi của đồng ruộng của sự thoáng đãng và hơn nữa, không có mùi của sự toan tính bất an của đường phố thị thành...

Người Mông thích núi cao

Những nương ruộng bậc thang đang vào mùa chín

Ông Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, một cán bộ lãnh đạo huyện còn khá trẻ với tuổi đời chưa đầy 40. Trò chuyện  với chúng tôi, anh nói đùa mà rằng, cán bộ miền núi cao, không trẻ sao có sức khỏe để “vi hành” tới các bản, làng. Bởi, ở Mù Cang Chải, dù chỉ có 13 xã nhưng trải rộng trên 120.000ha, có những xã như Nậm Khắt, phải đi như chạy 3 giờ đồng hồ mới vào được đến nơi. Muốn đi “vi hành” ở bản xa thì mất vài ngày.

Toàn huyện gieo cấy hơn 1.600ha ruộng bậc thang, còn lại là diện tích nương, đồi. Và, phần lớn thu nhập của bà con nơi đây vẫn dựa vào nông nghiệp, trong khi đó, lúa chỉ gieo cấy được một vụ, do phụ thuộc lớn vào nguồn nước, thời tiết, nên tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên và trên diện rộng, đặc biệt là những tháng giáp hạt.

Lên Yên Bái mùa này, táo mèo hay gọi theo bà con nơi đây là quả Sơn Tra vào mùa. Theo Chủ tịch Giàng A Tông thì mấy năm trở lại đây, quả Sơn Tra mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho bà con trong huyện. “Nếu như nhiều năm trước, quả Sơn Tra được bà con hái về để dùng trong gia đình, ít có giá trị kinh tế, thì vài năm trở lại đây, quả Sơn Tra đã mang lại nguồn thu đáng kể, được giá”, anh Tông nói.

Người dân Mù Cang Chải phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng tấm chân tình, sự mộc mạc thì chưa bao giờ thiếu. Anh Giàng A Tông cho biết, bà con dân tộc Mông có nếp sống từ ngàn năm trước, đó là ở trên lưng chừng núi cao, khí hậu mát mẻ, trong lành. “Dưới chân núi rất thuận tiện cho sản  xuất nông nghiệp, nước sạch, điều kiện sinh hoạt cũng khấm khá hơn, nhưng cán bộ bản, xã, đi vận động rạc chân bà con vẫn không nghe. Họ ở triền núi đã như một định mệnh truyền đời, không ai chịu rời xuống dưới”, anh Tông tâm sự.

Còn nữa