Sau Tết, hết hơi vì… người giúp việc

ANTĐ - Dù trước khi về nghỉ Tết, người giúp việc đã hứa như đinh đóng cột là mùng 5 Tết sẽ lên, nhưng tối mùng 4 Tết, chị Lê Hồng Hải (ở khu đô thị Sông Đà, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn gọi điện cho chắc. Sau một hồi ậm ừ, người giúp việc nhà chị Hải bất ngờ thông báo “nhà có nhiều việc, không đi được”…

Sau Tết, hết hơi vì… người giúp việc ảnh 1Sau Tết, nhiều gia đình lao đao vì thiếu người giúp việc

Hết “câu giờ” lại đòi tăng lương

Cũng theo chị Hải, do có con nhỏ, bố mẹ hai bên ở xa nên trước khi người giúp việc về nghỉ Tết, chị đã khéo giữ chân như thanh toán toàn bộ tiền lương, thưởng thêm 1 tháng lương, chi tiền tàu xe... đồng thời còn hứa sẽ mừng tuổi thêm ½ tháng lương sau Tết. Đùng một cái, mọi việc thay đổi 180 độ khiến chị Hải không biết xoay xở ra sao. “Giờ tôi mới biết nguyên nhân khiến người giúp việc không quay lại là do đã nhận lời làm cho một nhà khác trả lương cao hơn. Giá như họ nói với tôi từ trước khi về, hai bên đã có thể thỏa thuận hoặc tôi sẽ tính phương án khác, đằng này… Đến ngày đi làm mà con không ai trông, vợ chồng tôi lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, đầu năm đã bực mình” – chị Hải chia sẻ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vì nhà có mẹ già cần người chăm sóc, bản thân thường xuyên phải đi công tác xa nên anh Nguyễn Đình Hùng (ở ngõ 629 Kim Mã, quận Ba Đình) luôn coi người giúp việc như người thân trong gia đình. Không chỉ lương, thưởng hậu hĩnh, trước khi chị giúp việc về nghỉ Tết, vợ chồng anh Hùng còn mua tặng chiếc xe đạp điện để tiện đi lại. Vậy mà đến mùng 5 Tết, người giúp việc nhắn tin “phải qua rằm mới lên được”. Anh Hùng đã gọi lại hàng chục cuộc điện thoại vẫn không thấy người giúp việc bắt máy. Dù rất bực nhưng do cần người nên anh Hùng nhắn tin lại “sẽ tăng lương gấp 1,5 lần”.

Đến lúc này, chị giúp việc thay đổi hẳn thái độ, hứa sẽ lên trước mùng 10! “Từ nay đến hôm đó chắc vợ chồng tôi phải thay nhau xin nghỉ phép. Những tưởng đầu năm suôn sẻ ai ngờ lại rối như tơ vò, mọi kế hoạch đã định bỗng dưng đảo lộn chỉ vì người giúp việc” - anh Hùng than thở.

Cùng thời điểm này, các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL), dịch vụ giúp việc theo giờ đắt khách. Bà Phạm Thị Loan – Giám đốc Trung tâm GTVL trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết, sau Tết, nhu cầu thuê giúp việc theo giờ tăng cao nhưng các trung tâm vẫn không đáp ứng đủ do nguồn cung có hạn. Mặt khác, dù đây là nghề phổ thông nhưng không phải ai cũng có thể làm được mà cần người có kinh nghiệm, chăm chỉ và thật thà…

Cần thỏa thuận rõ ràng

Cũng theo bà Phạm Thị Loan, do đầu năm nhu cầu tìm người giúp việc tăng cao nên phí môi giới cũng tăng lên (từ 800.000 - 1.000.000 đồng/lần nếu giao dịch thành công). Hiện giá thuê người giúp việc khá cao, dao động từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng, giá thuê theo giờ từ 150.000 đến 200.000 đồng/giờ. Để tránh tình trạng giúp việc về quê rồi “nhảy việc”, các gia đình nên  giữ chân họ bằng cách giữ lại khoản thưởng Tết hoặc tháng lương cuối cùng, đợi quay lại mới chi trả hoặc đề nghị họ ở lại ăn Tết cùng gia đình với mức thưởng cao, sau Tết mới về quê.  Ngoài ra, chủ nhà cũng thỏa thuận rõ về số lần giúp việc được về quê trong năm, số ngày nghỉ đồng thời nói rõ nếu nghỉ quá ngày sẽ trừ lương. 

Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, nguyên nhân khiến nhiều người giúp việc tự ý bỏ việc hoặc quay trở lại không đúng hẹn là do giữa họ và gia chủ không có bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào. Mọi giao kết giữa hai bên hầu như chỉ là thỏa thuận miệng. Nhằm giải quyết vấn đề này, Nghị định 27/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-5-2014 đã quy định, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc. Trong hợp đồng phải có các điều khoản về công việc mà người giúp việc phải làm, chế độ lương thưởng, thời gian nghỉ... Điều quan trọng nhất là người thuê giúp việc cần tìm hiểu rõ lai lịch, địa chỉ nơi ở của người giúp việc, yêu cầu họ đưa giấy tờ tùy thân, có chính sách trả lương hợp lý đồng thời sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn… Có như vậy, mối quan hệ giữa hai bên mới có sự gắn kết, bền chặt.