Sâu sát để giám sát

ANTĐ - Sự đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội không chỉ thể hiện trong hai kỳ họp định kỳ hàng năm. Khoảng thời gian giữa hai kỳ họp là các phiên họp của Ủy ban Thường vụ, các ủy ban của Quốc hội, đồng thời còn có các phiên chất vấn một số thành viên Chính phủ về những vấn đề “nóng” mà cử tri và nhân dân quan tâm. Đặc biệt, tính phản biện, chất vấn của các ủy viên cũng như đại biểu Quốc hội được nâng cao rõ rệt. Nhờ vậy, mọi vấn đề của đất nước rất được dư luận quan tâm không  đợi đến kỳ họp chính thức của Quốc hội.

Chẳng hạn, trong phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế -  xã hội năm 2012, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá sát với tình hình thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, chưa nêu bật được nguyên nhân chủ quan của những tồn tại xuất phát từ việc điều hành vĩ mô. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, kinh tế vĩ mô năm 2012 chưa thực sự ổn định vững chắc, nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn; doanh nghiệp giải thể, ngừng  hoạt động vẫn tăng, tồn kho của nhiều ngành ở mức cao.

Nguyên nhân, theo Chính phủ, có lý do từ việc tái cơ cấu nền kinh tế chậm được triển khai cũng như chậm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, có những dấu hiệu đáng lo về sự trì trệ của nền kinh tế. Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao; song trên thực tế đến nay chưa mang lại hiệu quả rõ nét.

Trong tình thế khó khăn này, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc đề nghị Chính phủ thống kê đầy đủ giá trị của hàng tồn kho và phải đưa ra các giải pháp lớn và hiệu quả. Tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa giảm nợ xấu hữu hiệu, khắc phục nhanh khó khăn.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, dù có giảm so với lúc “cao điểm”, những vẫn ở mức “đỉnh”, cao nhất là sắt, thép, xi măng lên tới 40-50%. Riêng bất động sản hiện chưa nắm được lượng tồn kho. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thống kê cho được lượng tồn rất lớn này, đồng thời phải tính cả một loại tồn kho là các công trình, dự án “đắp chiếu” vì chờ vốn do cắt giảm đầu tư.

Cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội ước tính, trong 2 triệu tỷ đồng dư nợ, có lẽ bất động sản chiếm đến 1 triệu tỷ đồng. Ông đặt câu hỏi: Bao nhiêu sắt thép, xi măng “chôn” vào bất động sản, mà bất động sản lại không đưa ra sử dụng được, thì làm sao giải phóng được số sắt thép, xi măng đang tồn kho? Tỏ thái độ gay gắt và quyết liệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tập trung giải quyết cho bằng được hàng tồn kho và doanh nghiệp đang chết, chứ nghị quyết có nhiều, nói “tăng cường, đẩy mạnh” quá nhiều, giờ phải làm sao cho “chạy” được.

Trên đây chỉ là một trong những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những bằng chứng cho thấy, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao, đặc biệt là quyền giám sát của cơ quan quyền lực tối cao. Muốn giám sát chặt chẽ thì phải sâu sát, nắm chắc mọi vấn đề trong đời sống kinh tế -  xã hội.