Sau mỗi lần tinh giản, biên chế lại phình to thêm một ít

ANTĐ - Như vậy, sau rất nhiều kế hoạch, một lần nữa vấn đề tinh giản biên chế bộ máy công chức viên chức lại được nóng lên với Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 17-4 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thật ra, quyết tâm tinh giản biên chế đã được đặt ra từ hơn 20 năm trước. Chỉ kỳ lạ, mỗi lần quyết tâm là một lần bộ máy biên chế phình to ra thêm một ít...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132/CP, tính đến hết năm 2012, tổng số biên chế từ Trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); biên chế cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm 20%.

Cho đến nay, cả nước có 2,75 triệu công chức viên chức và nếu tính tổng số người hiện đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, con số thật ấn tượng: 7,5 triệu người. Như vậy, cứ 12 người, kể cả trẻ mới đẻ lẫn các cụ già đã chuẩn bị về với tổ tiên, có một người hưởng lương phụ cấp từ ngân sách. Và chúng ta là một trong những nước hiếm hoi mà chỉ lệ chi thường xuyên chiếm gần 70% số chi ngân sách hàng năm. 

Bộ máy biên chế khổng lồ

Rất nhiều chuyên gia hành chính đã ngạc nhiên: Bộ máy hành chính là gì mà cả hệ thống chính trị xã hội đánh vật với nó hàng chục năm mà vẫn không thể thu gọn lại được? Câu chuyện có thật đã được một Bí thư Tỉnh ủy kể lại đã cho thấy sự đáng sợ của bộ máy này. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đến thăm một trường cấp III ở tỉnh. Gặp 4 nhân viên bảo vệ và 4 người lao công đang làm nhiệm vụ ngoài cổng trường, ông hỏi: “Mười năm nay, các bác có bắt được kẻ trộm nào không”. Họ đồng thanh đáp: “Không ạ, ở đây an toàn lắm”.

Nghe vậy, ông băn khoăn, tình hình tốt thế thì cần gì đến ngần ấy người. Sự băn khoăn đó trở thành câu hỏi lớn ngay sau đó. Gặp người thủ thư trong thư viện của trường được xây rất khang trang nhưng không có sách, ông Chính hỏi: “Ông làm công việc gì?”. Đáp: “Tôi nhận báo và đưa lên cho Hiệu trưởng”. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy gặp phụ trách văn thư, lại hỏi: “Ông làm gì?”. Được đáp: “Tôi chuyển báo lên thư viện”. Vào phòng y tế học đường, Bí thư Tỉnh ủy giở sổ theo dõi thì thấy chỉ có 2 học sinh khám nhức đầu trong cả năm học. 

Một báo cáo của Bộ Nội vụ năm 2014 cho biết, cả nước có khoảng 130.000 thôn với tổng số cán bộ thôn (bao gồm Trưởng thôn, Bí thư và Công an viên) là hơn 570.000 người. Bên cạnh đó, cũng ở cấp thôn, có tới 900.000 cán bộ không chuyên trách từ các tổ chức chính trị, xã hội, an ninh được hưởng lương bằng nguồn đóng góp của dân.

Sau mỗi lần tinh giản, biên chế lại phình to thêm một ít ảnh 1

Ảnh minh họa 

Bộ Nội vụ hiếm khi đưa ra tổng số người ăn lương trong cả nước. Song, một báo cáo của Bộ Tài chính năm 2013, nhân dịp tăng lương theo quy định đã tiết lộ vào thời điểm đó, có tổng cộng 8 triệu người là cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Trở lại câu chuyện của ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cuối năm trước. Chính ông đã cung cấp cho báo chí những con số buồn với bộ máy hành chính của tỉnh ông. UBND phường Hồng Hải, TP Hạ Long, có 475 cán bộ; UBND thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Chỉ 1 xã đảo có gần 200 hộ mà có hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp. Ông cho biết, cả tỉnh bình quân 8,5 người có một người ăn lương ngân sách.

Và đáng lo hơn, trong khi kế hoạch cắt giảm 100.000 biên chế trong những năm tới chưa triển khai được thì mới đây, ngày 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về 5 Đề án điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, gồm thành lập mới 4 thị xã, 1 huyện và 1 thành phố. Hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn biên chế mới sẽ phát sinh thêm với những kế hoạch này. Quả thật, bộ máy hành chính có sức mạnh ghê gớm kháng cự lại những tác động nhằm thu hẹp quy mô của nó.

 
Nghị quyết 39-NQ/TW với sự cương quyết mới

Nguyên nhân của việc không thể thu gọn bộ máy hành chính một lần nữa đã được Nghị quyết 39-NQ/TW chỉ ra. Về thực trạng bộ máy hành chính, Nghị quyết đánh giá rằng hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Cơ cấu công chức, viên chức còn chưa hợp lý về số lượng, chức danh ngạch, chức danh nghề nghiệp; trình độ, độ tuổi, dân tộc, giới tính, nhất là tương quan cơ cấu giữa các cơ quan Trung ương với các cơ quan địa phương.

Bộ Chính trị cho rằng những hạn chế trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách…

Nghị quyết nhấn mạnh: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.   

Bộ Chính trị yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.

Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Người dân đặt rất nhiều kỳ vọng về các biện pháp, giải pháp mà nghị quyết đề ra để thực hiện thành công việc tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc của bộ máy Nhà nước. Các biện pháp, giải pháp đó là tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất; tạo điều kiện để thu dụng người có đức, có tài.

Kỳ vọng rằng chương trình tinh giản biên chế theo nghị quyết lần này của Bộ Chính trị sẽ như “cuộc đại phẫu” về biên chế để hoàn thành các mục tiêu đề ra.