Sâu khấu thử nghiệm: "Vẫn chín người mười ý"

ANTD.VN - Liên hoan sân khấu thử nghiệm đã đi được nửa chặng đường nhưng với những gì các đoàn nghệ thuật đã thể hiện, không chỉ với người trong cuộc mà khán giả cũng cảm thấy hoang mang trước hai từ “thử nghiệm”. Nói như vậy là bởi lẽ, cuối cùng thử nghiệm là gì và các vở diễn không có nhiều thay đổi trong lối dàn dựng nhưng lại hấp dẫn người xem liệu có được coi là thử nghiệm?

Sâu khấu thử nghiệm: "Vẫn chín người mười ý" ảnh 1Vở kịch “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam được đánh giá cao tại kỳ liên hoan này 

Loay hoay cách tân

Trong khuôn khổ liên hoan, tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn ra một cuộc hội thảo. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, hội thảo “nóng” ngay từ phút đầu khi “chín người mười ý”. Nói như nhà biên kịch Lê Quý Hiền, thử nghiệm thực chất là sáng tạo, mà nghệ thuật nói cho cùng cũng hướng đến sự cách tân, làm mới. Do vậy, thử nghiệm chỉ là cách nói bóng bẩy của những sáng tạo trên sân khấu.

Bổ sung cho quan điểm này, ông Alain Destandau (Pháp), Giám khảo kỳ liên hoan này cho biết thêm, từ thời Victor Hugo đã có sân khấu thử nghiệm khi ông không tuân theo quy tắc tam nhất về không gian-thời gian và địa điểm. Nhưng đến bây giờ, sự cách tân ấy không còn mới khi sân khấu thế giới đã xuất hiện các vở diễn phá bỏ quy ước về không gian, thời gian và địa điểm. Do vậy, sân khấu thử nghiệm của ngày hôm nay nhưng chưa chắc đã mới của tương lai. 

Trong khi ấy, tác giả Nguyễn Quang Vinh, cha đẻ của vở kịch “Dưới cát là nước” (Nhà hát Kịch nói Quân đội) đã thẳng thừng cho biết không quan tâm tới sự thử nghiệm. Theo ông, sân khấu là hướng đến khán giả, nếu khán giả thấy thích thì như vậy vở diễn đã thành công. 

Khi mà các tác giả còn đang tranh cãi về khái niệm thử nghiệm thì một số ý kiến của khán giả cho biết, họ cảm thấy hoang mang với sự thử nghiệm mà các đoàn đã thể hiện ở các vở diễn vừa qua. Người xem tìm đến các tác phẩm sân khấu được gắn mác “thử nghiệm” với mong muốn được xem cái mới và sự thành công của ê kíp. Tuy nhiên, không phải vở diễn nào cũng đáp ứng được yêu cầu này của khán giả. Thậm chí, với chương trình nghệ thuật giải trí Ionah tham dự, các ý kiến cũng cho biết, họ không cảm thấy điều mới mẻ ở đây, nó dường như rất giống với các chương trình nghệ thuật thông thường. Hay như vở “Dưới cát là nước”, lối dàn dựng sử dụng mặt nạ và dàn đế cũng không phải là thủ pháp nghệ thuật mới, đạo diễn, NSND Lê Hùng dường như đã lặp lại chính mình. 

Hướng tới khán giả

Đại diện của đoàn Panama lại cho rằng, thử nghiệm là vận dụng tất cả những gì có trong tay và đưa ra một thông điệp dành cho khán giả. Chính vì thế, đoàn đã mang đến Việt Nam vở diễn “Con tàu không trôi mãi” bằng việc sử dụng lợi thế tối đa của kịch hình thể để diễn tả thông điệp về tình yêu thương giữa con người với con người trên Trái đất. Dù bị chê rằng thực chất đó là một vở kịch câm, nhưng dẫu sao “Con tàu không trôi mãi” đã giúp các nghệ sỹ sân khấu Việt Nam học hỏi về cách diễn hình thể đạt tới độ linh hoạt và nghệ thuật. 

Nếu như các vở có yếu tố thử nghiệm rõ rệt đang tạo ra những tranh cãi về tính hiệu quả, thì liên hoan lần này cũng chứng kiến một số tác phẩm không hẳn mạnh tay trong việc sử dụng các yếu tố mới như kỹ xảo điện ảnh, múa đương đại, 3D… nhưng lại hấp dẫn khán giả. Vẫn là lối sử dụng bục bệ truyền thống nhưng vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm giàu thêm cho một tác phẩm kinh điển của W.Shakespear khi được Việt hóa và có một góc nhìn riêng của đạo diễn - NSND Anh Tú.

Hay vở kinh kịch “Ramayana” của Trung tâm nghệ thuật Kinh kịch tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã giữ nguyên hồn cốt của thể loại sân khấu truyền thống, có chăng, đạo diễn chỉ sử dụng các màn vũ đạo, nhào lộn đầy điệu nghệ để thu hút khán giả. Dù đơn giản trong lối dàn dựng nhưng tác phẩm lại có sức hút lớn với người xem. Trong hơn một tiếng đồng hồ diễn ra, không một khán giả nào bỏ về và rạp hát thì chật cứng người. Vậy thì, với những vở diễn như Hamlet, Ramayana… liệu có được coi là các tác phẩm sân khấu thử nghiệm?

 Đạo diễn Singapore, Chua Soo Pong cho rằng: “Mỗi đoàn đến từ các đất nước khác nhau sẽ có sự khác nhau về cách nhìn nhận sân khấu thử nghiệm. Nhưng dù khác nhau như thế nào đi nữa, cái cuối cùng các tác phẩm cần hướng tới là khán giả”. Như vậy, sự sáng tạo và tìm tòi những cách làm mới không thể chệch ra khỏi mục đích tôn chỉ của sân khấu là phục vụ công chúng và mang tới người xem các thông điệp nhân văn. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khẳng định “Kỳ liên hoàn này sẽ tạo ra các cuộc tranh luận về các hướng sáng tạo mới trên sân khấu. Và sự thử nghiệm của sân khấu sẽ diễn ra muôn đời, thúc đẩy các nghệ sỹ tiến về phía trước”.